Vay tiền online – nỗi lo của dân nghèo Trung Quốc

Chỉ cần vài thao tác, người dùng smartphone Trung Quốc có thể dễ dàng vay tiền trực tuyến nhưng lại không lường hết được những hệ lụy phía trước.

Bai Shichao, năm nay 30 tuổi, làm nghề giao hàng tại Bắc Kinh. Anh đã vay mượn khá nhiều tiền từ các kênh cho vay trực tuyến.

Các kênh này sử dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu cá nhân để xác định xem người vay có trả nợ được không rồi mới quyết định cho vay.

Tuy nhiên, trường hợp của Bai lại khiến công cụ suy đoán này bó tay. Ban đầu, Bai mượn tiền để kinh doanh nhỏ nhưng sau đó thất bại. Người đàn ông này tiếp tục vay tiền làm than, dầu hạt cải và đường, nhưng rút cuộc chẳng đi tới đâu.

Hiện Bai đang nợ hơn 5.000 USD trong khi thu nhập hàng tháng chỉ hơn 600 USD.

“Nó giống như đánh bạc. Khi quen rồi, bạn sẽ nhanh chóng nghiện kiểu vay mượn này”, Bai nhận xét. Sau khi tốt nghiệp đại học, người đàn ông này đã trải qua rất nhiều nghề kể cả làm bảo vệ và phục vụ bàn.

Vay dễ dàng, nợ nần ngập đầu

Với tổng số tiền cho vay hơn 100 tỷ USD, các kênh cho vay tiền online nở rộ tại Trung Quốc đang khiến chính quyền lo ngại.

Tháng trước, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cấm doanh nghiệp và người dân nước này tạo thêm kênh cho vay tiền trực tuyến.

Đầu tháng này, Ủy ban điều tiết ngành ngân hàng Trung Quốc (CBRC) đã trừng phạt nhiều công ty cho vay tiền trái phép, đặc biệt là những khoản vay lãi suất cao.

Trong khi đó, các khoản vay nhỏ cũng rất phát triển. Hiện có hơn 8.600 công ty cung cấp các khoản vay kiểu này. Vấn đề ở chỗ, các công ty này chưa thể thu hồi khoản nợ đã lên tới 145 tỷ USD, theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC).

Tuy nhiên, công ty tư vấn Boston Consulting Group ước tính khoản nợ chưa thể thu hồi có thể lên tới 392 tỷ USD.

Trung Quốc đang trở thành thị trường phát triển công nghệ nhanh chóng. Có hàng nghìn ứng dụng cho vay tiền hoặc cấp tài chính dễ dàng. Tất nhiên, người vay phải cung cấp thông tin cá nhân một cách chi tiết và đầy đủ nhất.

Đứng sau các ứng dụng cho vay tiền online là những công ty Internet và quỹ tài chính lớn của Trung Quốc.

Cách đây hai năm, ngân hàng trung ương Trung Quốc yêu cầu các công ty Internet lớn của nước này như Tencent Holdings và Alibaba Group phải có hệ thống đánh giá tín dụng riêng.

Tuy nhiên, sau đó PBC đã từ chối cấp phép các hệ thống này sau khi nêu lý do chúng không đáp ứng kỳ vọng đặt ra.

Các nền tảng cho vay tiền online tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin và ngày càng khiến công chúng lo ngại. Nhiều nền tảng theo dõi cả điện thoại người dùng, tiếp cận các thông tin như vị trí, danh sách liên lạc và lịch sử cuộc gọi.

Quảng cáo cho vay tiền online được dán trên xe đạp cho thuê tại Bắc Kinh.

Bạo lực mềm

Một số công ty cho vay tiền thậm chí còn sử dụng các dạng bạo lực mềm để buộc người vay phải trả tiền đúng hạn.

Tháng trước, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã cảnh báo người dân về hàng chục ứng dụng có lỗ hổng bảo mật cho phép đánh cắp thông tin người dùng. Một số thông tin này được công ty cho vay  dùng để quấy nhiễu người vay, bạn bè và gia đình họ.

Một trong số các ứng dụng này là Paipaidai của công ty PPDAI Group mới niêm yết trên sàn chứng khoán New York. Paipaidai bí mật gửi thông tin cá nhân tới máy chủ công ty mà người dùng không hề hay biết.

Một người đàn ông tên Lin đã vay 75.500 USD qua ứng dụng Paipaidai từ hơn 30 kênh cho vay online khác nhau. Lin cho biết mỗi ngày anh nhận được rất nhiều cuộc gọi đòi tiền từ chủ nợ.

Các chủ nợ còn gửi tin nhắn cho Lin đe dọa “sử dụng bất cứ biện pháp nào” để buộc người đàn ông này phải trả khoản nợ cho Paipaidai.

Bai Shichao cho biết có rất nhiều kênh cho vay tiền online dễ dàng. Một trong số này là công ty Smart Finance với ứng dụng Yongqianbao, giúp xây dựng hệ thống đánh giá tín dụng dựa trên 1.200 điểm dữ liệu liên quan tới hành vi người dùng.

Yongqianbao sau đó sẽ kết nối người vay tiềm năng với công ty cho vay. Đứng sau ứng dụng này là nhà đầu tư vốn mạo hiểm Kai-Fu Lee, cựu lãnh đạo Google Trung Quốc chuyên đầu tư cho startup.

Mỗi tháng, Smart Finance duyệt cho vay khoản tiền lên tới 1,5 triệu USD qua Yongqianbao.

Thuật toán của Yongqianbao sẽ tìm sự tương quan giữa hành vi và lịch sử trả tiền vay, thậm chí cả những thông tin khá kỳ quặc. Chẳng hạn, Yongqianbao xem người vay bấm điện thoại có nhanh không,  họ có thường ăn ngay đồ ăn mua mang đi không, hay pin điện thoại còn bao % khi họ nhấp vào nút đề nghị cho vay.

Ngoài ra, Yongqianbao cũng xem người vay có dành thời gian đọc thỏa thuận người dùng hay không. Thường đề nghị cho vay được thông qua chỉ sau 8 giây hoặc ít hơn.

Bai cho biết đã nhận được khoản cho vay 270 USD từ Yongqianbao hồi tháng 9, nhưng từ giữa tháng 11 đã tăng lên 330 USD do lãi suất cao.

Để đổi lấy khoản vay, Bai phải cung cấp rất nhiều thông tin cá nhân, và hiện chúng đang bị các kênh cho vay sử dụng vô tội vạ.

Đầu tiên, chủ nợ sẽ gọi tới các số điện thoại khẩn cấp của Bai, rồi sau đó gọi cho tất cả mọi người trong danh sách liên lạc để nói về khoản vay chưa trả.

Một số chủ nợ còn gửi tin nhắn dọa sẽ tìm tới Bai qua định vị điện thoại. Người đàn ông này tỏ ra hối tiếc khi đánh đổi thông tin cá nhân lấy các khoản vay dễ dàng qua mạng.