Theo Qualcomm, kinh tế số phải dựa trên nền tảng Internet rất mạnh. Hiện nay, Internet đã chuyển qua Internet di động. Do đó, 4G và 5G sẽ là nền tảng quan trọng cho Việt Nam thực hiện mục tiêu kinh tế số, hay còn gọi bằng một thuật ngữ là Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Kinh tế số cần rất nhiều vấn đề, ví dụ như đẩy mạnh hạ tầng về đám mây, các công nghệ mới như robot, trí tuệ nhân tạo. Nhưng nền tảng để thực hiện kinh tế số vẫn là hạ tầng viễn thông di động mạnh mẽ. Hiện nay, 4G là công nghệ rất quan trọng để thực hiện kết nối Internet vạn vật, mang Internet đến với mọi người.
Tuy nhiên, theo ông Thiều Phương Nam – Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia, chúng ta cũng đang ở một thời điểm quan trọng đó là chuẩn bị chuyển qua 5G. Có thể tại Việt Nam còn hơi sớm để nói về 5G, do triển khai 4G chưa được một năm. Nhưng cũng không muộn để bắt đầu có định hướng về mặt chính sách, công nghệ cũng như hệ sinh thái cho 5G. Với Qualcomm hiện nay, việc chuẩn bị cho 5G vô cùng quan trọng. Qualcomm cũng tài trợ một số nghiên cứu về ảnh hưởng của 5G với nền kinh tế thế giới.
Trong một nghiên cứu, dự báo đến năm 2035, 5G sẽ tạo ra một động lực phát triển kinh tế mới, tương đương 12 nghìn tỷ USD. Đấy là giá trị mà 5G sẽ tạo ra trên thế giới dưới dạng dịch vụ mới, tạo ra việc làm mới và giá trị mới. 5G phát triển dựa trên nền tảng 4G mạnh. Hiện nay, tốc độ của 4G trên thế giới đã đạt đến gigabit, tương đương với các công nghệ như cáp quang. 4G Gigabit, hay còn gọi là Gigabit LTE, đã được triển khai ở 24 nước với 39 nhà mạng lớn trên thế giới, ví dụ như T-Mobile, AT&T, Sprint, Verizon (Mỹ), Singtel, SAT, Delstra (Châu Á). Bộ vi xử lý Qualcomm Snapdragon hỗ trợ công nghệ Gigabit LTE cũng được tích hợp vào rất nhiều thiết bị đầu cuối. Hiện nay, Gigabit chỉ có trên các điện thoại Android với các công nghệ của Qualcomm. Các công nghệ khác vẫn chưa đạt được tốc độ này.
Để triển khai thành công IoT, tại Việt Nam cũng như trên thế giới, các nhà mạng đã bắt đầu triển khai 4G LTE. Hai công nghệ phổ biến nhất hiện nay, được thống nhất tiêu chuẩn trên thế giới là NB-IoT và Cat-M1. Các nhà mạng Việt Nam cũng đang thử nghiệm những công nghệ 4G cho IoT theo những tiêu chuẩn này. Điều này rất quan trọng trong việc triển khai những lĩnh vực như thành phố thông minh, điện kế thông minh, thực hiện các dự án kiểm soát môi trường, xây dựng tòa nhà thông minh, ứng dụng IoT vào y tế, giáo dục… Tất cả những lĩnh vực này đều cần mạng lưới hỗ trợ LTE dựa trên Cat-M1 hoặc NB-IoT.
Được biết, trong 12 tháng qua, 5G đã có sự phát triển rất nhanh. Để triển khai 5G, chúng ta cần có nền tảng 4G mạnh mẽ, đặc biệt là tại Việt Nam. Khi triển khai, 5G có tốc độ nhanh hơn 4G gấp trăm lần (nhiều gigabit/giây), và sẽ được thực hiện ở các thành phố trung tâm trước. 5G vẫn phải dựa trên nền tảng 4G hiện nay. Vì vậy, các đầu tư vào 4G, đưa 4G đạt tốc độ gigabit vẫn là những đầu tư cần thiết nếu Việt Nam muốn lên 5G.
Theo Qualcomm, trong nền kinh tế số, IoT, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, 4 ngành sau sẽ thay đổi nhiều nhất về công nghệ: thứ nhất là ngành ô tô. Khái niệm ngành ô tô hiện nay đã rất khác so với trước. Ô tô kết nối hỗ trợ rất nhiều những tính năng mới, đem lại trải nghiệm mới cho người lái xe. Ô tô kết nối tiêu thụ lượng dữ liệu tương đương 70 điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, ô tô tự lái còn cần sử dụng công nghệ và dữ liệu, trao đổi với cloud nặng hơn rất nhiều. Trong vòng vài năm tới, ngành ô tô sẽ có những chuyển biến rất mạnh mẽ.
Thứ hai, ngành PC truyền thống cũng sẽ có nhiều thay đổi. Sau hai năm làm việc với Microsoft, Qualcomm cũng công bố sản phẩm thương mại của mình. Đến nay, có 3 nhà sản xuất PC lớn trên thế giới đưa ra những PC, laptop chạy full Windows 10 trên Snapdragon, tương thích hết với tất cả ứng dụng. PC chạySnapdragon có thể phát video liên tục đến hơn 30 tiếng. Đồng thời, kết nối 4G được tích hợp sẵn vào PC chạy Snapdragon tương tự như trên smartphone, giúp kết nối nhanh chóng bất cứ đâu. Hơn nữa, thời gian cài đặt, boot trên PC chạy Snapdragon cũng không cần thiết. Do đó, Qualcomm tin rằng khái niệm về PC cũng sẽ thay đổi. Sắp tới, Qualcomm và Microsoft sẽ tiếp tục đẩy mạnh những sản phẩm sáng tạo hơn trong lĩnh vực PC. ASUS, Lenovo, HP đã công bố sản phẩm thương mại của mình. Trong tương lai, các sản phẩm thương mại chắc chắn sẽ rẻ hơn.
(Nguồn VnMedia)