All posts by Điền Văn Minh



Bộ trưởng Trương Minh Tuấn làm Trưởng ban Ban chỉ đạo Cổ phần hóa VNPT

Bộ TT&TT vừa công bố thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa VNPT do Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn làm Trưởng ban và Thứ trưởng Phạm Hồng Hải làm Phó ban để thúc đẩy việc cổ phần hóa Tập đoàn VNPT theo đúng lộ trình.

Bộ TT&TT họp với VNPT về việc cổ phần hóa tâp đoàn này.

Ngày 23/1/2018, Bộ TT&TT đã họp với VNPT về vấn đề cổ phần hóa tập đoàn này. Tại cuộc họp, Bộ TT&TT đã công bố thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa VNPT do Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn làm Trưởng ban, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải làm Phó ban và một số lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT làm thành viên để thúc đẩy việc cổ phần hóa VNPT theo đúng lộ trình. Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT và ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT làm thành viên Ban chỉ đạo Cổ phần hóa VNPT.

Dự thảo phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cổ phần hóa VNPT cũng đưa vào nội dung nếu không thực hiện cổ phần hóa VNPT theo tiến độ được phê duyệt thì sẽ đánh giá lãnh đạo VNPT không hoàn thành nhiệm vụ.

Tại buổi họp, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc VNPT cho biết, để chuẩn bị cho cổ phần hóa, VNPT đã thành lập bộ phận để thực hiện các công việc này. VNPT cũng chủ động trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cổ phần hóa của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như Petrolimex, Vietnam Airlines… và các tổ chức tư vấn quốc tế. Hiện VNPT đã tiến hành các công việc để sẵn sàng cho cổ phần hóa.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2018 của VNPT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết, năm 2018, VNPT sẽ tái cơ cấu tại Tập đoàn, hướng tới thực hiện cổ phần hóa. Đối với nhiệm vụ trong năm 2018, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh, VNPT sẽ thực hiện tái cơ cấu tại Tập đoàn, hướng tới cổ phần hóa theo lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Tập đoàn, vì vậy VNPT phải tập trung triển khai. VNPT cần tham khảo thêm kinh nghiệm của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thành công tại Việt Nam và quốc tế nhằm tối đa hóa nguồn vốn tài sản của Nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cũng khẳng định năm 2018, VNPT sẽ tập trung sắp xếp, tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh theo phương án cơ cấu lại Tập đoàn VNPT giai đoạn 2017-2020 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ TT&TT vào sáng 22/12/2017, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT đã đưa ra kiến nghị: Mong muốn Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án tái cơ cấu lại Tập đoàn VNPT, cũng như phê duyệt Chiến lược phát triển VNPT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Việc sớm được thông qua Đề án tái cơ cấu VNPT và tầm nhìn chiến lược có vai trò rất quan trọng để VNPT có thể hoàn thành cổ phần hóa vào năm 2019. Ông Trần Mạnh Hùng cho hay, Đề án Tái cơ cấu VNPT đã được Bộ TT&TT trình lên Chính phủ và VNPT rất mong muốn Đề án này sẽ được Thủ tướng xem xét phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Theo danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017 – 2020 của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở xem xét đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, VNPT là 1 trong 18 doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa trong năm 2019.



Olympics 2020 sẽ được phủ sóng 5G

Nokia và nhà mạng DoCoMo (Nhật Bản) vừa công bố thỏa thuận hợp tác cùng phát triển mạng di động 5G phủ sóng thủ đô Tokyo nhân dịp sự kiện Olympics 2020.

Thỏa thuận trên là hợp đồng đầu tiên triển khai thiết bị 5G mới dùng chuẩn New Radio của Nokia. Thông số kỹ thuật của New Radio mới được hoàn tất tháng 12 năm ngoái.

Theo kế hoạch, sau khi phủ sóng 5G tại Tokyo, DoCoMo sẽ mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ ra cả nước. Tuy nhiên, quá trình này có thể sẽ mất hàng năm trời.

Nokia và DoCoMo từng có lịch sử hợp tác lâu dài. Công ty công nghệ của Phần Lan chính là một trong những nhà cung cấp công nghệ 3G và 4Gcho DoCoMo.

Kể từ năm 2014, cả hai cùng chung sức phát triển 5G với kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho người dùng, đặc biệt là tốc độ truyền tải dữ liệu siêu tốc.

DoCoMo cũng có kế hoạch sử dụng mạng 5G cung cấp dịch vụ cho xe hơi tự hành, nhà thông minh và các ngành nghề kinh doanh khác.

Ngoài DoCoMo, một số nhà mạng viễn thông Mỹ đã bắt đầu phát triển và thử nghiệm mạng 5G. Trong hai hoặc ba năm tới, người dùng các nước này sẽ chính thức được trải nghiệm mạng di động thế hệ kế tiếp này.



Thuê bao trả trước chỉ được nhận khuyến mại tối đa 20%

 Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất. Theo đó, các thuê bao di động trả trước sẽ chỉ nhận mức khuyến mại tối đa 20%.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018.

 

Để đảm bảo quyền lợi và thúc đẩy phát triển thuê bao trả sau, hạn chế cuộc gọi rác, tin nhắn rác, Bộ TT&TT ban hành Thông tư quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất trên tinh thần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ di động, đảm bảo an toàn, an ninh xã hội, bảo đảm quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ (thuê bao trả trước chuyển sang trả sau vẫn được hưởng mức khuyến mại không quá 50%).

Thông tư 47 gồm 7 Điều, quy định mức tổng giá trị tối đa của dịch vụ, hàng hoá dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động, hàng hoá viễn thông chuyên dùng. Cụ thể, các thuê bao trả trước sẽ nhận mức khuyến mại tối đa 20% và thuê bao trả sau nhận mức khuyến mại tối đa 50%.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải lên kế hoạch hướng dẫn khách hàng chuyển đổi từ thuê bao trả trước sang thuê bao trả sau nhanh gọn, đơn giản nhất có thể, đồng thời phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất. Trường hợp nhà mạng vi phạm quy định về hạn mức khuyến mại sẽ bị xử phạt hành chính và truy thu thuế đối với các chương trình khuyến mại sai quy định.

Trước đó, năm 2017, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2017/NĐ-CP, trong đó quy định việc quản lý và đăng ký thông tin thuê bao; hướng dẫn các doanh nghiệp di động nghiên cứu, thống nhất ký cam kết và thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối. Tính đến hết năm 2017, tổng số SIM thuê bao có dấu hiệu nghi vấn được phát hiện là 28 triệu, trong đó có khoảng 4 triệu SIM đã đăng ký lại thông tin hoặc đã bị huỷ, khoá do hết thời hạn sử dụng, thu hồi hơn 24,3 triệu SIM thuê bao.

Tính đến tháng 11/2017, số lượng tin nhắn rác chặn được trên toàn mạng là 214 triệu. Bộ TT&TT cũng đã tiếp nhận 68.610 lượt phản ánh tin nhắn rác đến đầu số 456.

Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp di động vẫn tiếp tục đua nhau thu hút thuê bao trả trước đăng ký mới, liên tục đưa ra các chương trình khuyến mại cho thuê bao trả trước để cạnh tranh không lành mạnh, buông lỏng quản lý đăng ký thuê bao nên hiện tượng lợi dụng để nhắn tin quảng cáo, đe doạ, nhắn tin độc hại vẫn xuất hiện tràn lan. Lượng tin nhắn rác phát sinh từ thuê bao trả trước đăng ký mới vẫn lớn hơn so với số tin nhắn rác, cuộc gọi rác được các cơ quan xử lý chặn lọc được. Trong khi đó, thuê bao trả sau là nhóm khách hành trung thành, cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà mạng khi đăng ký dịch vụ lại rất ít được hưởng chính sách khuyến mại.

Với thuê bao trả trước, do không phải cung cấp nhiều thông tin cá nhân khi đăng ký thuê bao, thậm chí có thể mua SIM trả trước mà không phải xuất trình giấy tờ cá nhân, lại được nhà mạng khuyến mại nhiều nên nhiều thuê bao trả trước đã lợi dụng để phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác, tin nhắn quảng cáo, tin nhắn lừa đảo, tin nhắn có nội dung độc hại, gây bức xúc lớn đối với người sử dụng dịch vụ, ảnh hưởng đến an toàn, an ninh xã hội. Thực tế, nguồn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, tin nhắn đe doạ, lừa đảo xuất phát từ các thuê bao trả trước và rất khó truy xuất danh tính thuê bao vì thông tin cá nhân mà nhà mạng lưu trữ không chính xác hoặc không đầy đủ.



Đón Tết Mậu Tuất, VinaPhone tung khuyến mại “đại lộc”

(VnMedia) – Chào Xuân Mậu Tuất 2018, khách hàng VinaPhone trên cả nước sẽ cơ hội trúng ô tô Mercedes E250 và nhiều phần quà hấp dẫn khác với chương trình “Tết kết gia đình – Nhà rinh đại lộc”.

Theo đó, trong thời gian diễn ra chương trình (từ 16/01 đến hết 08/03/2018) khách hàng đăng ký thành công gói cước Gia đình và khách hàng nạp thẻ từ 100.000 đồng trở lên (hoặc nạp đủ số tiền từ trên 100.000 đồng/ngày) sẽ nhận được mã dự thưởng để tham gia chương trình khuyến mại với cơ hội trúng các giải thưởng như sau: 45 giải ngày mỗi giải là  01 xe máy SH 125cc trị gía 66.990.000 đồng dựa trên kết quả quay thưởng các mã dự thưởng phát sinh trong ngày.

Giải đặc biệt là 01 xe ô tô Mercedes E250 trị giá 2.479.000.000đ sẽ được VinaPhone sẽ thực hiện quay thưởng 01 lần tổng kết chương trình vào ngày 11/3 trên cơ sở các mã dự thưởng trừ mã đã trúng giải ngày. Vì vậy, trong thời gian khuyến mại, cơ hội trúng xe ô tô Mercedes E250 rất lớn đối với khách hàng đăng ký tham gia các dịch vụ của nhà mạng VinaPhone.

Để khách hàng nắm rõ thông tin về mã dự thưởng và kết quả trúng thưởng, VinaPhone sẽ chủ động nhắn tin thông báo đến số thuê bao của khách hàng. Ngoài ra khách hàng có thể tra cứu trên website của chương trình http://khuyenmai.vinaphone.com.vn.

Gói cước Gia đình là gói tích hợp các dịch vụ Di động – Internet – Truyền hình của VNPT với ưu điểm nổi trội về tiện ích và chi phí tiết kiệm. Chỉ từ 235.000đ, rẻ hơn đến 60% so với các gói cước riêng lẻ, gói Gia Đình sẽ mang đến trọn gói các tính năng gọi nội nhóm miễn phí, chia sẻ Data tốc độ cao cùng đường truyền FiberVNN tối thiểu 20Mbps và ưu đãi truyền hình theo yêu cầu MyTV.

Ra mắt từ cuối năm 2017, gói cước Gia Đình đã gây sốt trên thị trường viễn thông khi cũng là gói đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tích hợp bộ ba dịch vụ thiết yếu có mặt trong sinh hoạt của hàng chục triệu người Việt. Tính năng độc đáo chia sẻ Data từ chủ nhóm cho các thành viên theo nhu cầu của từng người đồng thời tạo được bước đi mới về công nghệ của gói cước. Để sử dụng tính năng này, cũng như thêm/bớt thành viên trong nhóm, khách hàng có thể tự thao tác trên máy đơn giản.

Chương trình khuyến mại lần này áp dụng cho thuê bao di động chủ nhóm và các thuê bao thành viên, bao gồm cả đăng ký gói Gia đình mới và gói Gia đình thêm thành phần mới. Thông qua gói cước Gia Đình cùng chương trình khuyến mại Tết lần này, VinaPhone thể hiện sự trân trọng và tôn vinh những ý nghĩa đẹp của ngày Tết cổ truyền. Nhà mạng cũng một lần nữa gửi lời tri ân và những lời chúc an khang, thịnh vượng tới mọi khách hàng.

Được biết, chương trình không áp dụng trong 7 ngày nghỉ Tết (14/02/2018 – 20/02/2018). Để đăng ký gói cước Gia Đình, khách hàng có thể gọi tới hotline 18001166 hoặc tới các cửa hàng của VinaPhone trên toàn quốc.

Khách hàng có thể gọi đến tổng đài 18001091 hoặc 9191 để được giải đáp và biết thông tin chi tiết về chương trình.



An toàn thông tin trong cách mạng công nghiệp 4.0: Nỗi lo từ thiết bị IoT!

VnMedia) – Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) mang đến cho Việt Nam vô vàn cơ hội nhưng cũng có rất nhiều thách thức. Việc áp dụng rộng rãi những tiến bộ của CNTT và Truyền thông như IoT bên cạnh những ưu điểm, lại gây ra nhiều nguy cơ và rủi ro mất an toàn thông tin.

Các công nghệ được đánh giá sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội cũng như thành quả trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đó như IoT, điện toán đám mây, công nghệ thực tế ảo… khi nó được áp dụng vào mọi hoạt động của xã hội từ cuộc sống hàng ngày, công việc, chính phủ điện tử, thành phố thông minh hay tới các hệ thống công nghiệp. Tuy nhiên, mặt trái của thế giới kết nối đó là rất nhiều các nguy cơ và rủi ro mất ATTT tiềm ẩn trong sự phát triển quá nhanh của công nghệ.

Với mong muốn phác thảo về thực trạng ATTT tại Việt Nam hiện tại đang phải đối mặt hiện hay để cùng nhau chia sẻ, thảo luận đưa ra được các sáng kiến và phương hướng chung tay vì một không gian mạng an toàn hơn, Cục ATTT đã phối hợp cùng Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT VinaPhone) và Tập đoàn bảo mật F-secure tổ chức Hội thảo: “An toàn thông tin 4.0 – Thực trạng và sáng kiến”.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển mạnh mẽ của IoT bên cạnh việc mang lại những lợi ích to lớn về khả năng kết nối và chia sẻ thông tin cũng mang đến nhiều nguy cơ, rủi ro trong việc đảm bảo an toàn thông tin (ATTT). Tại Việt Nam, từ năm 2010 đã có Quy hoạch phát triển ATTT số quốc gia đến năm 2020. Kế hoạch bảo đảm ATTT mạng giai đoạn 2016-2020 đã đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhằm phát triển khả năng thích ứng một cách chủ động, linh hoạt và giảm thiểu các nguy cơ, đe dọa mất ATTT. Ông Nguyễn Thanh Hải bày tỏ mong muốn, đại biểu tham dự Hội thảo hôm nay sẽ cùng thảo luận, đưa ra các sáng kiến, phương hướng mới, cụ thể góp phần chung tay bảo đảm ATTT quốc gia.

Các đại biểu tham dự cùng chia sẻ thông tin tại Hội thảo: “An toàn thông tin 4.0 – Thực trạng và sáng kiến”.

Thiết bị IoT: Nhiều nguy cơ về an toàn thông tin

Trong bài tham luận “Tổng quan IoT trên thế giới và Việt Nam: Hiện trạng và thực tế”, ông Trần Đăng Khoa – Cục ATTT đã trích thống kê từ các hãng nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới cho thấy, năm 2015 toàn cầu có 4,9 tỷ thiết bị IoT, con số này tăng lên 6,4 tỷ vào 2016, 8,4 tỷ vào 2017 và dự báo sẽ là 20,8 tỷ thiết bị vào 2020 với 3.000 tỷ USD doanh thu.

Tại Việt Nam, có khá nhiều doanh nghiệp viễn thông, CNTT tham gia sản xuất thiết bị IoT. Tuy nhiên, trên thị trường Việt Nam cũng như thế giới có nhiều thiết bị trôi nổi không đảm bảo ATTT, các lỗ hổng bị khai thác, tấn công. Có tới 70% thiết bị IoT có nguy cơ bị tấn công mạng. Theo thống kê của Cục ATTT, trong 316 ngàn camera giám sát được kết nối và công khai trên mạng Internet thì có hơn 147 ngàn thiết bị có lỗ hổng, chiếm 65%; Thiết bị router Việt Nam có khoảng 28 ngàn địa chỉ của thiết bị IoT đã bị tấn công bằng mã độc mirai và các biến thể mirai. Đây là nguy cơ rất lớn đối với Việt Nam.

Cùng quan điểm với đại diện Cục An toàn thông tin, ông Mikko Hypponen – Giám đốc nghiên cứu Tập đoàn bảo mật F-Secure thì cho hay, trong những năm gần đây, cứ 18 tháng sức mạnh tính toán của các thiết bị lại tăng lên gấp đôi và giá cũng giảm đi nhiều. Với chipset, các thiết bị thông thường như máy nướng bánh mì, máy giặt cũng trở nên thông minh hơn. Theo ông, cuộc cách mạng IoT đang diễn ra không phụ thuộc vào ý thích của chúng ta. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, ngay cả mọi thiết bị đều có thể trở thành thiết bị IoT. Điều đó dẫn tới nguy cơ, khi các thiết bị được kết nối với Internet thì có nguy cơ bị tấn công, mất an toàn thông tin.

Lời giải cho những nguy cơ

Để tìm giải pháp cho vấn đề này, đại diện Cục ATTT cho biết, dựa trên kinh nghiệm của thế giới, Cục ATTT đề xuất không nên tiếp cận IoT tổng thể, mà cần tiếp cận theo các đối tượng bao gồm: Cơ quan nhà nước; Doanh nghiệp sản xuất thiết bị IoT; Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ đảm bảo ATTT; Doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng viễn thông, Internet: Người sử dụng là các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Về phía cơ quan nhà nước, cần xây dựng lộ trình chiến lược phát triển nền tảng IoT quốc gia; Xây dựng hành lang pháp lý theo hướng tiêu chuẩn, quy chuẩn hóa và thực thi kiểm định; Khuyến khích phát triển dịch vụ ATTT cho IoT; Chú trọng tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức bảo đảm ATTT.

Đối với nhà sản xuất thiết bị IoT, cần phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn ATTT; Bắt buộc người sử dụng thay đổi mật khẩu khi sử dụng thiết bị; Tự động hóa việc cập nhật phần mềm, gói bảo mật; Coi ATTT cho thiết bị IoT là lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp viễn thông, Internet cũng cần thường xuyên rà quét phát hiện thiết bị IoT nhiễm mã độc; Kiểm soát nguy cơ ATTT từ thiết bị IoT. Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ ATTT cần tích cực nghiên cứu, phát triển và cung cấp sản phẩm ATTT cho IoT.

Còn người sử dụng cần cân nhắc khi mua sắm thiết bị IoT, không tham rẻ; Thay đổi mật khẩu, cấu hình mặc định; Đặt các thiết bị IoT trong vùng mạng cách ly; Thiết lập quy trình cập nhật các bản vá cho thiết bị IoT hoặc thay thế nếu bắt buộc để giảm thiểu nguy cơ mất ATTT.

Chia sẻ thông tin tại Hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT VinaPhone cho hay, doanh nghiệp luôn nhận thức rõ ràng về những nguy cơ và sự đa dạng của các hình thức tấn công trên mạng hiện nay, bao gồm: tấn công từ chối dịch vụ, tấn công có chủ đích APT, mã độc ransomware, giả mạo thông tin trên mạng xã hội, chiến tranh không gian mạng và đặc biệt là tấn công thông qua các thiết bị IoT… Vì vậy, với vai trò là nhà mạng cung cấp đầy đủ và toàn diện dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin tại Việt Nam, VNPT VinaPhone luôn chú trọng vào công tác triển khai các hoạt động, hệ thống, dịch vụ nhằm bảo vệ an toàn, an ninh thông tin cho khách hàng sử dụng dịch vụ của VNPT VinaPhone và chuyển động cùng xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, bên cạnh viện hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật về đảm bảo an toàn thông tin, VinaPhone luôn xác định con người là yếu tổ then chốt. VinaPhone đã đầu tư tổ chức đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản, hoạt động chuyên biệt nhằm thực hiện xuyên suốt công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin, triển khai các biện pháp phòng ngừa từ rất sớm, thường xuyên đánh giá an toàn thông tin của các hệ thống công nghệ thông tin và tập luyện liên tục để có thể phát hiện và ngăn chặn các tấn công phức tạp. Ông Tuấn cũng khẳng định thêm tại Hội thảo, thời gian tới nhà mạng sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn nữa với mục tiêu đảm bảo trải nghiệm người dùng một cách tốt nhất và an toàn nhất.



VNPT cung cấp hạ tầng viễn thông tại Hội nghị APPF-26

Ngày 18/1, VNPT trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin cho các hoạt động tại Diễn đàn nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (Hội nghị APPF-26). Trong bốn ngày diễn ra hội nghị (từ 18 đến 21/1), VNPT sẽ phụ trách bảo mật thông tin của sự kiện. Trước đó, từ tháng 12/2017, VNPT đã phối hợp cùng ban tổ chức khảo sát và lập phương án triển khai, dự phòng hạ tầng viễn thông cho APPF.

Nhờ thế mạnh trong dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, cộng thêm nhiều năm kinh nghiệm, VNPT đã hoàn thành các hạng mục gồm đường truyền Internet tốc độ cao trong nước và quốc tế, hệ thống wifi tại trung tâm báo chí quốc tế, tăng cường trạm phát sóng di động nhằm đảm bảo thông tin liên lạc.

Ngoài ra, VNPT cung cấp bộ sim VinaPhone sử dụng riêng tại hội nghị. Sim phục vụ APPF được tích hợp nhiều ưu đãi như 50 phút gọi trong nước, 50 tin nhắn trong nước và data 2,5GB tốc độ cao.

Theo đại diện VNPT, mọi công tác chuẩn bị hạ tầng, chất lượng, tính thông suốt của dịch vụ, đảm bảo an toàn thông tin mạng được thực hiện ở tiêu chuẩn cao nhất.

Hội nghị APPF-26 diễn ra từ 18-21/1/2018. Đây là lần thứ 2 Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên APPF.

Diễn đàn APPF được thành lập 15/3/1993, do Cựu Thủ tướng Nhật bản Yasuhiro Nakasone đặt nền móng là một diễn đàn dành cho các nghị sỹ, nghị viện các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

APPF hiện có 27 nghị viện thành viên gồm: Australia, Campuchia, Canada, Costa Rica, Chile, Colombia, Trung Quốc, Ecuador, Fiji, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, quần đảo Marshalls, Mexico, Micronesia, Mông Cổ, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam.



Cơ cấu lại để VNPT trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký quyết định 2129/QĐ-TTg phê duyệt phương án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2018 – 2020 nhằm xây dựng và phát triển VNPT thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh; Nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số tại thị trường Đông Nam Á và châu Á…

Mục tiêu phấn đấu của VNPT đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trên 6,5%/năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trên 10,8%/năm. Giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trên 7,7%/năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trên 11%/năm. Phấn đấu đến năm 2022, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tương đương với các doanh nghiệp cùng ngành nghề.

Theo phương án cơ cấu lại, ngành, nghề kinh doanh chính của VNPT là kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện và các dịch vụ số khác; tư vấn, khảo sát, thiết kế, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin; nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện.

Cơ cấu lại một số đơn vị

Về kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại VNPT, Quyết định nêu rõ, trong giai đoạn 2018 – 2020 thành lập Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT); sáp nhập Bệnh viện Phục hồi chức năng Bưu điện (tại thành phố Hải Phòng) vào Bệnh viện Bưu điện (tại thành phố Hà Nội). Cơ cấu lại hoạt động kinh doanh quốc tế của Công ty Viễn thông Quốc tế (VNPT – I); nghiên cứu thành lập Công ty TNHH một thành viên Đầu tư quốc tế VNPT (VNPT Global) do VNPT sở hữu 100% vốn điều lệ khi đủ điều kiện; tiếp tục duy trì Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone) theo mô hình hạch toán độc lập; nâng cao hiệu quả hoạt động và sắp xếp lại các doanh nghiệp có vốn góp của VNPT (sáp nhập Công ty cổ phần Vật tư Bưu điện (Potmasco) vào Công ty cổ phần Cokyvina; sáp nhập Công ty cổ phần KASATI vào Công ty cổ phần Viễn thông -Tin học Bưu điện CT-IN và tăng tỷ lệ vốn góp của VNPT tại CT-IN đạt mức trên 35% vốn điều lệ…); giải thể Văn phòng đại diện VNPT tại thành phố Hồ Chí Minh theo quy định.

Sau khi sắp xếp, tổ chức lại, Công ty mẹ – VNPT là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Các đơn vị hạch toán phụ thuộc gồm: Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT – Net); Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT – IT); 63 Viễn thông tỉnh, thành phố (VNPT tỉnh, thành phố); Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (VNPT – RD); Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ I, II, III.

Đơn vị sự nghiệp gồm: Bệnh viện Bưu điện và bệnh viện Đa khoa Bưu điện.

Các công ty con gồm: Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT – Vinaphone); Tổng công ty Truyền thông (VNPT Media); Công ty Đầu tư quốc tế VNPT (VNPT Global) (nghiên cứu thành lập sau khi hoàn thành cổ phần hóa Công ty mẹ – Tập đoàn); Công ty cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT Technology); Công ty cổ phần Viễn thông Tin học Bưu điện (CT-IN); Công ty cổ phần Thiết bị Bưu điện (POSTEF); Công ty VNPT GLOBAL HK (dự kiến chuyển giao vốn về VNPT Global sau khi thành lập).

Các công ty liên kết gồm: Công ty cổ phần COKYVINA; Công ty cổ phần Phát triển công nghệ và Truyền thông (VNTT); Công ty cổ phần Quản lý tòa nhà VNPT (VNPT PMC); Công ty cổ phần những trang vàng Việt Nam (VNYP); Công ty cổ phần Dịch vụ Viễn thông và In Bưu điện (PTP); Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển công nghệ và Truyền thông (NEO); Công ty cổ phần Dịch vụ số liệu toàn cầu (GDS); Công ty ATH Malaysia và Công ty ACASIA Malaysia (dự kiến chuyển giao vốn về VNPT Global sau khi thành lập).

Bên cạnh việc sắp xếp, tổ chức lại, VNPT cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao quản trị doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực như sau: Hoàn thiện cơ chế quản lý; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, điều hành. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, kế toán; quản lý  tài sản, nguồn vốn và đảm bảo cân đối dòng tiền; tăng cường thực hành tiết kiệm, quản lý chặt chẽ chi phí, phấn đấu hạ giá thành sản phẩm và dịch vụ. Quản lý sử dụng lao động hiệu quả, cải cách cơ chế tiền lương; phát triển và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động trong toàn Tập đoàn.



VNPT và những con số ấn tượng trong năm 2017

VNPT đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2017 do Bộ TT&TT giao. Những kết quả đạt được trong năm 2017 sẽ là tiền đề để Tập đoàn  VNPT chuyển dịch mạnh mẽ sang nhà cung cấp dịch vụ số trong giai đoạn tiếp theo – giai đoạn đột phá của công nghệ số, công nghệ thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

 

 



VNPT xây dựng smart city tại Hà Giang

Trong Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai “Thỏa thuận hợp tác chiến lược về Viễn thông – CNTT giai đoạn 2014 – 2020” ngày 8/1/2018, VNPT và UBND tỉnh Hà Giang tiếp tục kí biên bản ghi nhớ “Xây dựng đô thị thông minh cho tỉnh Hà Giang”.

Lí do Hà Giang về ứng dụng CNTT

Sau 3 năm triển khai thỏa thuận hợp tác, tỉnh Hà Giang đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước. 100% các sở ban ngành, HĐND, UBND các cấp và khối cơ quan Đảng, đoàn trên toàn tỉnh (trên 2.000 đơn vị) đã đưa phần mềm quản lý văn bản vào sử dụng, liên thông 4 cấp từ Trung ương tới cấp xã. Hà Giang cũng là tỉnh đi đầu trong triển khai Hội nghị trực tuyến liên thông 4 cấp từ Trung ương tới xã, kết nối hơn 180 điểm cầu, giúp đẩy nhanh công tác chỉ đạo điều hành, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Hà Giang cũng là một trong số ít những tỉnh trên cả nước triển khai tin nhắn thương hiệu đến các hộ gia đình trong tỉnh, giúp UBND các xã, phường, thị trấn thông báo tới người dân các thông tin cần thiết như: các thông tin tuyên truyền, thông báo lịch cắt điện, kế hoạch hoạt động của nhà trường cho các hộ gia đình đang có con em đang đi học … VNPT đã hỗ trợ cho 195 UBND xã, phường, thị trấn tên tin nhắn thương hiệu SMS Brandname và thiết bị máy tính bảng phục vụ công tác này (01 thương hiệu + 01 máy tính bảng/đơn vị).

Ngoài các cơ quan nhà nước, nhiều lĩnh vực khác tại Hà Giang cũng đưa các giải pháp CNTT của VNPT vào ứng dụng rộng rãi. Ví dụ như phần mềm VNPT-HIS trong lĩnh vực Y tế, VnEdu trong lĩnh vực Giáo dục, VNPT-QLLT (Phần mềm quản lý lưu trú) trong lĩnh vực quản lý lưu trú phục vụ Công an tỉnh…

Nhờ đó, dù là một trong những tỉnh vùng cao, kinh tế còn nhiều khó khăn song Hà Giang lại là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về việc ứng dụng CNTT. Năm 2016, Hà Giang đứng thứ 8/63 trong bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố ứng dụng CNTT và đứng thứ 7/63 trong bảng xếp hạng dịch vụ công trực tuyến theo công bố xếp hạng của Bộ TT&TT và Hội Tin học Việt Nam.

Hướng đến xây dựng đô thị thông minh

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tình hình ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tạo đột phá thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển KT – XH. Kết quả hợp tác thời gian qua đã giúp Hà Giang trở thành địa phương đi đầu trong kết nối hệ thống chính trị.

 

Sau 3 năm triển khai thỏa thuận hợp tác, tỉnh Hà Giang đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước. 100% các sở ban ngành, HĐND, UBND các cấp và khối cơ quan Đảng, đoàn trên toàn tỉnh (trên 2.000 đơn vị) đã đưa phần mềm quản lý văn bản vào sử dụng, liên thông 4 cấp từ Trung ương tới cấp xã. Hà Giang cũng là tỉnh đi đầu trong triển khai Hội nghị trực tuyến liên thông 4 cấp từ Trung ương tới xã, kết nối hơn 180 điểm cầu, giúp đẩy nhanh công tác chỉ đạo điều hành, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

vietnamnet

Hà Giang cũng là một trong số ít những tỉnh trên cả nước triển khai tin nhắn thương hiệu đến các hộ gia đình trong tỉnh, giúp UBND các xã, phường, thị trấn thông báo tới người dân các thông tin cần thiết như: các thông tin tuyên truyền, thông báo lịch cắt điện, kế hoạch hoạt động của nhà trường cho các hộ gia đình đang có con em đang đi học … VNPT đã hỗ trợ cho 195 UBND xã, phường, thị trấn tên tin nhắn thương hiệu SMS Brandname và thiết bị máy tính bảng phục vụ công tác này (01 thương hiệu + 01 máy tính bảng/đơn vị).

Ngoài các cơ quan nhà nước, nhiều lĩnh vực khác tại Hà Giang cũng đưa các giải pháp CNTT của VNPT vào ứng dụng rộng rãi. Ví dụ như phần mềm VNPT-HIS trong lĩnh vực Y tế, VnEdu trong lĩnh vực Giáo dục, VNPT-QLLT (Phần mềm quản lý lưu trú) trong lĩnh vực quản lý lưu trú phục vụ Công an tỉnh…

Nhờ đó, dù là một trong những tỉnh vùng cao, kinh tế còn nhiều khó khăn song Hà Giang lại là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về việc ứng dụng CNTT. Năm 2016, Hà Giang đứng thứ 8/63 trong bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố ứng dụng CNTT và đứng thứ 7/63 trong bảng xếp hạng dịch vụ công trực tuyến theo công bố xếp hạng của Bộ TT&TT và Hội Tin học Việt Nam.

Hướng đến xây dựng đô thị thông minh

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tình hình ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tạo đột phá thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển KT – XH. Kết quả hợp tác thời gian qua đã giúp Hà Giang trở thành địa phương đi đầu trong kết nối hệ thống chính trị.

Do đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Tập đoàn VNPT quan tâm đưa vào các gói dịch vụ mới, tiện ích mới, phù hợp với thực tế của tỉnh; tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao trình độ Viễn thông  – CNTT cho cán bộ công chức, viên chức sử dụng thành thạo các sản phẩm ứng dụng CNTT của VNPT trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tỉnh triển khai xây dựng Chính quyền điện tử, Đô thị thông minh và giúp Hà Giang trở thành điểm sáng về ứng dụng CNTT, thương mại điện tử…

Với những kết quả tích cực đạt được trong hơn 3 năm hợp tác và mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng CNTT để phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, trong khuôn khổ Hội nghị sơ kết, VNPT và UBND tỉnh Hà Giang đã cùng ký kết Biên bản ghi nhớ “Xây dựng đô thị thông minh cho tỉnh Hà Giang”.

Theo đó, VNPT sẽ thực hiện khảo sát, xây dựng Đề án; Xây dựng đô thị thông minh cho tỉnh Hà Giang, đảm bảo tuân thủ kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh; Triển khai tích hợp các dịch vụ, hệ thống thông minh; Đề xuất những nội dung, giải pháp trong Đề án theo thế mạnh của VNPT và các đối tác của VNPT. Trên cơ sở đề án, VNPT sẽ xem xét xây dựng đề án tổng thể và triển khai đô thị điện tử cho tỉnh Hà Giang.

Phát biểu tại lễ ký kết, đồng chí Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT khẳng định, việc triển khai thỏa thuận hợp tác chiến lược đang tạo tiền đề tốt đẹp cho sự hợp tác giữa Tập đoàn VNPT với Tỉnh Hà Giang. Đồng thời cho biết, Tập đoàn sẽ tiếp tục đa dạng các sản phẩm, đảm bảo nguồn lực tốt nhất đối với các sản phẩm đã và đang cung cấp cho tỉnh. Tập đoàn VNPT sẽ xây dựng đề án để giúp đỡ tỉnh về xây dựng Đô thị thông minh và nông nghiệp thông minh.

VNPT hiện là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực tư vấn và triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, VNPT đã tư vấn và triển khai các giải pháp thông minh cho 17 tỉnh thành phố trên phạm vi cả nước. Tháng 10/2017, VNPT đã triển khai thành công giai đoạn 1 của đề án đô thị thông minh cho huyện đảo Phú Quốc. Tháng 11/2017, VNPT đã cùng với UBND thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành và chính thức công bố bản đề án xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025. VNPT cũng đã hoàn thành Đề án Du lịch thông minh cho thành phố Hà Nội.



Vay tiền online – nỗi lo của dân nghèo Trung Quốc

Chỉ cần vài thao tác, người dùng smartphone Trung Quốc có thể dễ dàng vay tiền trực tuyến nhưng lại không lường hết được những hệ lụy phía trước.

Bai Shichao, năm nay 30 tuổi, làm nghề giao hàng tại Bắc Kinh. Anh đã vay mượn khá nhiều tiền từ các kênh cho vay trực tuyến.

Các kênh này sử dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu cá nhân để xác định xem người vay có trả nợ được không rồi mới quyết định cho vay.

Tuy nhiên, trường hợp của Bai lại khiến công cụ suy đoán này bó tay. Ban đầu, Bai mượn tiền để kinh doanh nhỏ nhưng sau đó thất bại. Người đàn ông này tiếp tục vay tiền làm than, dầu hạt cải và đường, nhưng rút cuộc chẳng đi tới đâu.

Hiện Bai đang nợ hơn 5.000 USD trong khi thu nhập hàng tháng chỉ hơn 600 USD.

“Nó giống như đánh bạc. Khi quen rồi, bạn sẽ nhanh chóng nghiện kiểu vay mượn này”, Bai nhận xét. Sau khi tốt nghiệp đại học, người đàn ông này đã trải qua rất nhiều nghề kể cả làm bảo vệ và phục vụ bàn.

Vay dễ dàng, nợ nần ngập đầu

Với tổng số tiền cho vay hơn 100 tỷ USD, các kênh cho vay tiền online nở rộ tại Trung Quốc đang khiến chính quyền lo ngại.

Tháng trước, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cấm doanh nghiệp và người dân nước này tạo thêm kênh cho vay tiền trực tuyến.

Đầu tháng này, Ủy ban điều tiết ngành ngân hàng Trung Quốc (CBRC) đã trừng phạt nhiều công ty cho vay tiền trái phép, đặc biệt là những khoản vay lãi suất cao.

Trong khi đó, các khoản vay nhỏ cũng rất phát triển. Hiện có hơn 8.600 công ty cung cấp các khoản vay kiểu này. Vấn đề ở chỗ, các công ty này chưa thể thu hồi khoản nợ đã lên tới 145 tỷ USD, theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC).

Tuy nhiên, công ty tư vấn Boston Consulting Group ước tính khoản nợ chưa thể thu hồi có thể lên tới 392 tỷ USD.

Trung Quốc đang trở thành thị trường phát triển công nghệ nhanh chóng. Có hàng nghìn ứng dụng cho vay tiền hoặc cấp tài chính dễ dàng. Tất nhiên, người vay phải cung cấp thông tin cá nhân một cách chi tiết và đầy đủ nhất.

Đứng sau các ứng dụng cho vay tiền online là những công ty Internet và quỹ tài chính lớn của Trung Quốc.

Cách đây hai năm, ngân hàng trung ương Trung Quốc yêu cầu các công ty Internet lớn của nước này như Tencent Holdings và Alibaba Group phải có hệ thống đánh giá tín dụng riêng.

Tuy nhiên, sau đó PBC đã từ chối cấp phép các hệ thống này sau khi nêu lý do chúng không đáp ứng kỳ vọng đặt ra.

Các nền tảng cho vay tiền online tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin và ngày càng khiến công chúng lo ngại. Nhiều nền tảng theo dõi cả điện thoại người dùng, tiếp cận các thông tin như vị trí, danh sách liên lạc và lịch sử cuộc gọi.

Quảng cáo cho vay tiền online được dán trên xe đạp cho thuê tại Bắc Kinh.

Bạo lực mềm

Một số công ty cho vay tiền thậm chí còn sử dụng các dạng bạo lực mềm để buộc người vay phải trả tiền đúng hạn.

Tháng trước, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã cảnh báo người dân về hàng chục ứng dụng có lỗ hổng bảo mật cho phép đánh cắp thông tin người dùng. Một số thông tin này được công ty cho vay  dùng để quấy nhiễu người vay, bạn bè và gia đình họ.

Một trong số các ứng dụng này là Paipaidai của công ty PPDAI Group mới niêm yết trên sàn chứng khoán New York. Paipaidai bí mật gửi thông tin cá nhân tới máy chủ công ty mà người dùng không hề hay biết.

Một người đàn ông tên Lin đã vay 75.500 USD qua ứng dụng Paipaidai từ hơn 30 kênh cho vay online khác nhau. Lin cho biết mỗi ngày anh nhận được rất nhiều cuộc gọi đòi tiền từ chủ nợ.

Các chủ nợ còn gửi tin nhắn cho Lin đe dọa “sử dụng bất cứ biện pháp nào” để buộc người đàn ông này phải trả khoản nợ cho Paipaidai.

Bai Shichao cho biết có rất nhiều kênh cho vay tiền online dễ dàng. Một trong số này là công ty Smart Finance với ứng dụng Yongqianbao, giúp xây dựng hệ thống đánh giá tín dụng dựa trên 1.200 điểm dữ liệu liên quan tới hành vi người dùng.

Yongqianbao sau đó sẽ kết nối người vay tiềm năng với công ty cho vay. Đứng sau ứng dụng này là nhà đầu tư vốn mạo hiểm Kai-Fu Lee, cựu lãnh đạo Google Trung Quốc chuyên đầu tư cho startup.

Mỗi tháng, Smart Finance duyệt cho vay khoản tiền lên tới 1,5 triệu USD qua Yongqianbao.

Thuật toán của Yongqianbao sẽ tìm sự tương quan giữa hành vi và lịch sử trả tiền vay, thậm chí cả những thông tin khá kỳ quặc. Chẳng hạn, Yongqianbao xem người vay bấm điện thoại có nhanh không,  họ có thường ăn ngay đồ ăn mua mang đi không, hay pin điện thoại còn bao % khi họ nhấp vào nút đề nghị cho vay.

Ngoài ra, Yongqianbao cũng xem người vay có dành thời gian đọc thỏa thuận người dùng hay không. Thường đề nghị cho vay được thông qua chỉ sau 8 giây hoặc ít hơn.

Bai cho biết đã nhận được khoản cho vay 270 USD từ Yongqianbao hồi tháng 9, nhưng từ giữa tháng 11 đã tăng lên 330 USD do lãi suất cao.

Để đổi lấy khoản vay, Bai phải cung cấp rất nhiều thông tin cá nhân, và hiện chúng đang bị các kênh cho vay sử dụng vô tội vạ.

Đầu tiên, chủ nợ sẽ gọi tới các số điện thoại khẩn cấp của Bai, rồi sau đó gọi cho tất cả mọi người trong danh sách liên lạc để nói về khoản vay chưa trả.

Một số chủ nợ còn gửi tin nhắn dọa sẽ tìm tới Bai qua định vị điện thoại. Người đàn ông này tỏ ra hối tiếc khi đánh đổi thông tin cá nhân lấy các khoản vay dễ dàng qua mạng.



Samsung chế pin sạc siêu nhanh, sạc đầy smartphone chỉ trong 12 phút

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện công nghệ tiên tiến Samsung (SAIT) vừa tìm được cách phát triển một loại “bóng graphene”, có thể thay đổi những gì chúng ta nghĩ về pin.

Trong một tuyên bố mới, đại gia công nghệ Hàn Quốc mô tả bóng graphene là một “vật liệu pin độc nhất vô nhị”, cho phép tăng 45% điện dung cũng như tăng gấp 5 lần tốc độ sạc so với các viên pin lithium-ion tiêu chuẩn hiện nay.

Năm 2004, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Manchester, Anh từng tìm ra cách phân lập graphene lần đầu tiên. Theo nhóm chuyên gia này, graphene là vật liệu mỏng nhất trên hành tinh nhưng chắc hơn thép gấp 200 lần, trong suốt và cũng là vật liệu dẫn điện tốt nhất trên thế giới.

Samsung tuyên bố, nghiên cứu của họ hứa hẹn “triển vọng cho thị trường pin thế hệ tiếp theo”, đặc biệt liên quan đến các thiết bị di động và xe điện. Theo Samsung, trong khi các viên pin lithium-ion tiêu chuẩn cần ít nhất 1 giờ để sạc đầy thì về mặt lý thuyết, một viên pin chế tạo từ vật liệu bóng graphene chỉ mất 12 phút để sạc đầy. Hơn thế nữa, viên pin cũng có thể duy trì nhiệt độ ổn định 60 độ C.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho phép tổng hợp hàng loạt vật liệu graphene đa hợp, đa chức năng với giá cả phải chăng. Đồng thời, chúng tôi cũng có thể tăng đáng kể các tính năng của pin lithium-ion trong điều kiện các thị trường dành cho thiết bị di động và các xe điện đang phát triển nhanh chóng. Chúng tôi cam kết tiếp tục khám phá và phát triển công nghệ pin đón đầu những xu hướng này”, Son In-hyuk, người đứng đầu dự án của SAIT nhấn mạnh.

Pin sạc siêu tốc là thành quả công tác nghiên cứu giữa SAIT với nhà sản xuất pin Samsung SDI và các chuyên gia thuộc Trường Hóa học và công nghệ sinh học, ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc). Nghiên cứu của họ đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.



Smartphone có thể sạc không dây từ xa, không cần tiếp xúc

Đây là công nghệ sạc không dây hoàn toàn mới sắp được đưa vào sử dụng trong thực tế.

Sạc không dây vốn đỡ rắc rối hơn so với cách sạc điện truyền thống. Để có thể sạc không dây, thiết bị của người dùng phải tiếp xúc trực tiếp với bề mặt bàn sạc. Điều này tới đây có thể sẽ thay đổi khi FCC vừa cấp phép cho bộ sạc không dây đầu tiên có khả năng hoạt động trong bán kính 0.9 mét.

Thiết bị mới có tên WattUp. Bộ sạc này là sản phẩm của Energous, một startup công nghệ có trụ sở tại San Jose (California, Hoa Kỳ). Công ty này vừa tuyên bố đã được FCC thông qua công nghệ sạc không dây với khoảng cách xa nhờ sử dụng một máy phát vô tuyến.

Máy phát này sẽ có chức năng chuyển đổi điện năng thành tần số vô tuyến. Chùm năng lượng này sau đó được tiếp nhận bởi các thiết bị có kết nối với máy thu. Công nghệ này khác với hệ thống bàn sạc của Pi hay Belkin and Mophie vốn yêu cầu phải có tiếp xúc vật lý giữa thiết bị và bàn sạc.

Theo Energous, WattUp có thể sạc cho cùng lúc nhiều thiết bị. Chúng bao gồm điện thoại, bàn phím, tai nghe cho tới máy tính bảng, miễn là những thiết bị này đều được kết nối với máy thu. Hệ sinh thái của WattUp cũng tương đối mở giống như WiFi. Nó không phân biệt thiết bị của các hãng như Sony, Samsung hay Apple.

 Bộ sạc đặc biệt này dự kiến được ra mắt tại triển lãm CES 2018. Triển lãm này sẽ được tổ chức tại Las Vegas vào tháng 1 năm sau.