Xu hướng chuyển đổi toàn cầu
Khi Internet phát triển, số lượng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tư nhân sử dụng địa chỉ IP để kết nối ngày càng tăng. Do vậy, xu thế triển khai sử dụng IPv6 để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của Internet toàn cầu là nhu cầu tất yếu nhằm đảm bảo tài nguyên địa chỉ cho phát triển Internet, kết nối vạn vật, Internet công nghiệp, với các dịch vụ mới như Internet vạn vật, điện toán đám mây, mạng 5G/6G… Là phiên bản địa chỉ Internet thế hệ mới, IPv6 có không gian địa chỉ gần như vô hạn. Theo kế hoạch, Bộ Thông tin- Truyền thông (TT&TT) đặt mục tiêu đến hết tháng 12/2024, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên mạng Internet Việt Nam đạt từ 65 – 80%, đưa Việt Nam vào nhóm 8 nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng IPv6.
Để đạt mục tiêu đề ra, bên cạnh việc lập kế hoạch tổ chức hội nghị về công tác chuyển đổi IPv6 năm 2024, 4 nhóm nhiệm vụ khác đã và đang được Bộ TT&TT phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam tập trung đẩy mạnh, đó là: chuyển đổi IPv6 cho mạng Internet Việt Nam, IPv6 cho các cơ quan nhà nước; tăng cường các chương trình làm việc, giám sát, hỗ trợ chuyển đổi IPv6; đẩy mạnh công tác định hướng, tuyên truyền và tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng chuyển đổi IPv6.
Chuyển đổi IPv6 tại tỉnh Yên Bái
Sau 2 năm triển khai Kế hoạch số 101 của UBND tỉnh Yên Bái về chuyển đổi IPv6 cho hệ thống mạng, dịch vụ công nghệ thông tin tỉnh, giai đoạn 2022 – 2025, đến nay tỉnh đã hoàn thành việc chuyển đổi IPv6 cho Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng dịch vụ hành chính công của tỉnh, đảm bảo 100% các website thành phần thuộc 21 cơ quan, đơn vị trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh đều hoạt động song song với 2 địa chỉ IPv4 và IPv6.
Đồng thời, tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam triển khai hoạt động tuyên truyền, triển khai đào tạo, tập huấn cho trên 400 lượt học viên là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các sở, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh về định hướng, tầm quan trọng của việc chuyển đổi và sử dụng IPv6. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai song song địa chỉ IPv4 và IPv6 phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp, nghiên cứu triển khai chuyển đổi IPv6 cho hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dụng.
Đến nay tỷ lệ triển khai IPv6 của các doanh nghiệp viễn thông đến người sử dụng ước đạt khoảng 65%; tỷ lệ người dùng thường xuyên sử dụng IPv6 trên địa bàn tỉnh dao động trong khoảng 64 – 70%. Từ những kết quả triển khai chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước (chương trình IPv6 For Gov), tỉnh Yên Bái là 1 trong 9 tỉnh được Bộ TT&TT tặng bằng khen vì có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn 1 chương trình IPv6 For Gov.
Thúc đẩy, hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp chuyển đổi IPv6
Là đơn vị tiên phong, đi đầu trong triển khai các giải pháp kỹ thuật, các dịch vụ cung cấp bảo đảm cho việc chuyển đổi IPv6, thời gian qua, VNPT Yên Bái đã có những bước đi bài bản, vững chắc để hoàn thành xuất sắc kế hoạch hành động về IPv6. Từ năm 2022, đơn vị đã nâng cấp toàn bộ hệ thống mạng lưới, từ thiết bị đầu cuối đến các thiết bị mạng lõi để hỗ trợ tốt nhất cho IPv6.
Đến nay, doanh nghiệp đã nâng cấp chuyển đổi 100% sang hoạt động nền tảng IPv6 đối với mạng lõi nội bộ; đồng thời hoàn tất việc triển khai IPv6 trên các dịch vụ Internet cố định và di động 100% đối với khách hàng công cộng, đầu tư trang bị đầy đủ hạ tầng, thiết bị bảo đảm năng lực sẵn sàng chuyển đổi hoạt động IPv6 với khách hàng là doanh nghiệp.
Ông Trần Kỳ Anh – Phó Giám đốc VNPT Yên Bái thông tin: “Việc chuyển đổi sang IPv6 với không gian rộng lớn đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển dịch vụ 5G mà VNPT Yên Bái đang tập trung trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, đến hết năm 2025, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai và áp dụng IPv6 trên diện rộng tập khách hàng chính quyền, doanh nghiệp tỉnh với mục tiêu tỷ lệ người dùng IPv6 lên đến 100%”.
Đã có trên 400 lượt học viên là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các sở, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh được tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi sang giao thức IPv6.
Nhằm hỗ trợ giải quyết vấn đề nguồn nhân lực về công nghệ IPv6 cho cơ quan nhà nước, thời gian qua, các cán bộ công chức, viên chức được phân công nhiệm vụ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã được tham gia các lớp tập huấn do Sở TT&TT phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam tổ chức.
Bà Thùy Chi – chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin, thành phố Yên Bái chia sẻ: “Tham gia lớp tập huấn về IPv6 đã giúp tôi hoàn thiện thêm kiến thức và nhận thức đầy đủ về việc phải chuyển đổi IPv6. Với những lợi ích mà IPv6 đem lại, bao gồm cả chất lượng, hiệu quả trong hoạt động quản lý của chính quyền, hoàn thiện được chất lượng dịch vụ công…, bản thân tôi sẽ tích cực chủ động tham mưu với UBND thành phố để triển khai mạnh mẽ IPv6 trong thời gian tới, góp phần xây dựng thành phố hiện đại, thông minh và tiện ích, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người dân”.
Việc triển khai tốt IPv6 là dấu hiệu cho thấy tỉnh Yên Bái đang bắt kịp đúng xu thế phát triển, sẵn sàng “chuyển mình” để đảm bảo an toàn thông tin, phát triển hạ tầng số, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp về nhu cầu truy cập, sử dụng dịch vụ hành chính công của các cơ quan nhà nước.
Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2 của chuyển đổi IPv6 trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Duy Khiêm cho biết: “Sở sẽ chủ trì tham mưu và triển khai chuyển đổi IPv6 cho 100% website của tỉnh, các sở, ngành; phối hợp với Cục Bưu điện Trung ương thực hiện quy hoạch hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh Yên Bái. Cùng với đó, tập trung và hoàn thành chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II của tỉnh; hỗ trợ cơ quan nhà nước chuyển đổi thành công IPv6 cho hệ thống hạ tầng mạng, dịch vụ công nghệ thông tin. Đồng thời thực hiện nâng cấp hệ thống hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ thông tin cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đảm bảo cấu hình, đáp ứng cho việc triển khai chuyển đổi IPv6 trên địa bàn tỉnh”.
Việc triển khai chuyển đổi Internet thế hệ mới IPv6 bài bản tại tỉnh Yên Bái hiện tại và cho giai đoạn tới sẽ góp phần quan trọng để tỉnh hoàn thành mục tiêu phát triển môi trường số hiện đại, an toàn, nhân văn, rộng khắp, hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp về nhu cầu truy cập, sử dụng dịch vụ hành chính công của các cơ quan nhà nước qua IPv6 trong tiến trình xây dựng, triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Thanh Chi