Tại địa chỉ http://tieqviet.surge.sh, người sử dụng có thể tuỳ ý chép một đoạn văn bản tiếng Việt vào đó, công cụ sẽ chuyển văn bản đó sang dạng “tiếq Việt” – dựa theo đề xuất cách viết tiếng Việt mới của PGS-TS Bùi Hiền.
Giao diện chính của trang web “Bộ cuyển dổi Tiếq Việt ” – Ảnh chụp màn hình |
Chẳng hạn khi viết “ICTnews – Tin tức công nghệ thông tin và truyền thông mới nhất”, thì công cụ sẽ chuyển thành IKTnews – Tin tứk kôq qệ wôq tin và cuyền wôq mới n’ất. Hoặc viết tên một ai đó, như “Nguyễn Hải Đăng” thì công cụ sẽ chuyển thành “Quyễn Hải Dăq”.
“Bộ cuyển dổi Tiếq Việt” này của tác giả Phan An, nhằm hưởng ứng theo đề xuất về cách viết tiếng Việt mới của PGS-TS Bùi Hiền, một đề xuất đang có nhiều ý kiến phản bác hơn ủng hộ.
Theo ý kiến của ông Bùi Hiền được đăng trên truyền thông: “Từ năm 1924, khi toàn quyền Đông Dương ký nghị định cho phép dạy chữ quốc ngữ bắt buộc ở cấp tiểu học, trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…”. Do đó, ông Hiền đề xuất cách viết tiếng Việt mới giản tiện hơn.
Theo đề xuất này, hầu hết các từ sẽ được giản lược để viết ngắn lại. Nhiều người cho rằng cách viết này phức tạp và khó làm quen.Tuy nhiên ông Hiền cho biết nếu triển khai, sẽ chỉ mất 1-2 năm để làm quen.
“Cải tiến theo cách này sẽ thống nhất được chữ viết cho cả nước, loại bỏ được hầu hết các thiếu sót, bất cập không nhất quán trước đây gây khó khăn cho người dùng (dẫn đế mắc lỗi chính tả), giản tiện được bộ chữ cái khi từ 38 chữ cái chỉ còn 31, dễ nắm được quy tắc, dễ nhớ. Ngoài ra, còn tiết kiệm được thời gian, công sức, vật tư trong quá trình tạo lập các văn bản trên giấy, trên máy tính”, ý kiến của ông Hiền được đăng trên báo Thanh Niên Online.
Hải Đăng