Thành phố Hồ Chí Minh công bố đề án xây dựng thành phố thông minh

 Chiều 26/11, TP.HCM chính thức công bố đề án xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến 2025.

Việc xây đô thị thông minh nhằm thực hiện 4 mục tiêu tổng quát: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức; Quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; Nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; Tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.

Những lợi ích cho người dân trong “smart city”

Nói về lợi ích cho người dân trong một số lĩnh vực khi thực hiện đề án này, Phó chủ tịch UBND.TP Trần Vĩnh Tuyến, Trưởng ban điều hành đề án Thành phố thông minh, cho biết: xây dựng đô thị thông minh hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn.

Theo đó, trong lĩnh vực giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông; giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi/đỗ xe;

Trong lĩnh vực y tế,  bệnh án điện tử sẽ cho phép người dân truy cập bằng thiết bị điện thoại di động để xem, lưu trữ và chia sẻ với đội ngũ chăm sóc y tế…

Các hệ thống lưu trữ đầy đủ dữ liệu về tình hình sức khỏe và lịch sử khám chữa bệnh của người dân cho phép bác sĩ truy cập dễ dàng theo thời gian thực hiện nhanh hơn, người bệnh không phải tìm lại các kết quả xét nghiệm, bác sĩ không mất thời gian tra cứu thông tin của người bệnh từ các hồ sơ sổ sách. Chất lượng khám chữa bệnh sẽ được nâng cao, các sai sót y khoa cũng sẽ được hạn chế….

Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về cấp phép vệ sinh an toàn thực phẩm; Cung cấp các kênh thông tin tương tác để nâng cao vai trò của người dân trong việc ghi nhận và phản ánh các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

Khi thành phố thay đổi, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực môi trường; lĩnh vực chống ngập; lĩnh vực nguồn nhân lực; lĩnh vực an ninh trật tự; lĩnh vực chỉnh trang và phát triển đô thị…người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như: sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; học sinh có thể học tại trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỷ lệ tội phạm thấp, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng…

Người lao động sẽ có các dịch vụ hạ tầng cơ bản, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thương trường thế giới: kết nối Internet băng thông rộng; các nguồn năng lượng sạch, ổn định với chi phí thấp; các cơ hội để được học hành, trau dồi kỹ năng, kiến thức; chi phí cho không gian sống và làm việc vừa tầm thu nhập.

Đặc biệt, trong lĩnh vực chính quyền điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến tập trung đa dạng về hình thức truy cập sẽ giúp thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia các hoạt động của các cơ quan nhà nước, cho phép công dân chỉ truy cập vào một địa chỉ duy nhất và đăng nhập một lần mà có thể thực hiện được toàn bộ các giao dịch với Chính quyền…

Các kênh giao tiếp bằng CNTT tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, cho phép mở rộng hợp tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ lẫn nhau, kết nối giữa các hệ thống thông tin của chính quyền với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân nhằm thuận tiện trong quá trình kiểm tra, báo cáo…

4 chủ thể của đô thị thông minh

Đề án đô thị thông minh hướng đến bốn chủ thể chính của đô thị gồm: chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

Đối với chính quyền thành phố, đô thị thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn, và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các mặt và lĩnh vực hoạt động.

Đối với người dân, đô thị thông minh giúp cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dân ra quyết định một cách tối ưu hơn, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân để người dân tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng thành phố.

Đối với doanh nghiệp, đô thị thông minh sẽ kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để doanh nghiệp hoạt động, cung cấp nhiều thông tin để doanh nghiệp có những quyết định kinh doanh chính xác, thông qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp so với các khu vực khác.

Cuối cùng, đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kênh kết nối phản hồi thông tin để giúp họ tham gia một cách hiệu quả hơn vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.

(Theo Vnmedia)