All posts by Điền Văn Minh



Gear Fit2 Pro: HLV thể thao cho người dùng trẻ

Ra mắt thị trường giữa tuần qua, thiết bị đeo hỗ trợ thể thao Gear Fit2 Pro đang tái định nghĩa lại chuẩn thể thao dành cho giới trẻ. Với chuẩn kháng nước 5 ATM, GPS tích hợp sẵn, cùng thiết kế mới thời trang, Gear Fit2 Pro  hứa hẹn sẽ là huấn luyện viên thể thao đắc lực.

Nổi bật nhất trên thế hệ thiết bị đeo phiên bản năm 2017 của Samsung là tiêu chuẩn kháng nước 5 ATM, cho phép thiết bị hoạt động và chịu được áp lực nước ở độ sâu lên đến 50m.

Ứng dụng đo lường bơi lội chuyên nghiệp của thiết bị sẽ thu thập các dữ liệu về khoảng cách, thời gian, kiểu bơi, tốc độ… đánh giá chính xác hơn hiệu quả tập luyện của người dùng. Đặc biệt, chế độ Khóa nước (Water Lock Mode) còn sẽ tự kích hoạt khi Gear nhận biết người dùng đang bơi nhằm ngăn các bong bóng nước hoặc luồng nước tác động lên màn hình. Chuẩn kháng nước 5 ATM mới trên Gear Fit2 Pro sẽ giúp xoá bỏ mọi giới hạn của thị trường thiết bị đeo thể thao hiện nay.

Về thiết kế, Gear Fit2 Pro sở hữu dây đeo hoàn toàn mới bằng chất liệu cao su với móc cài an toàn hơn so với kiểu dáng nút bấm trước đây. Bề mặt dây đeo được khắc thành những đường nét hình học. Sắc đen bóng bên ngoài kết hợp với tông màu đỏ trầm ở mặt trong dây tạo nên diện mạo thời trang và đậm chất thể thao. Ở cạnh trái màn hình bố trí 2 nút bấm vật lý để hiệu chỉnh các chế độ của thiết bị đeo. Trong khi nút trên đóng vai trò như phím Home, cho phép người dùng trở về chế độ màn hình hiển thị mặc định, nút bấm ở dưới mở ra một loạt ứng dụng cài đặt sẵn và lối tắt để vào cài đặt của Gear Fit2 Pro.

????????????????????????????????????
 Gear Fit2 Pro sở hữu màn hình cong Super AMOLED 1,5 inch với độ phân giải cao.

Theo nhận định của trang công nghệ TechRadar, với công nghệ rực rỡ của Super AMOLED, màn hình Gear Fit2 Pro có thể hiển thị tốt dưới nhiều cường độ ánh sáng khác nhau, giúp người dùng dễ dàng theo dõi hoạt động của mình trong suốt quá trình tập luyện. Mặt đồng hồ cong cũng đem lại trải nghiệm đeo thoải mái hơn. Samsung còn mang đến hơn 3,000 giao diện tuỳ chỉnh, được mặc định sẵn trong thiết bị hoặc tải về từ Galaxy Apps, giúp người dùng cá nhân hoá phong cách thời trang của riêng mình.



Kính thực tế ảo tốn 2 tỉ USD vừa ra mắt

Hệ thống kính thực tế ảo Magic Leap One mất 6 năm phát triển với kinh phí gần 2 tỉ USD vừa chính thức ra mắt.

Sản phẩm của hãng Magic Leap, một công ty khởi nghiệp tại Mỹ. Công ty này nhận tiền đầu tư từ các hãng lớn như Google và Alibaba.

Magic Leap One bao gồm 3 thành phần: kính thực tế ảo, máy tính xử lý và bộ điều khiển. Hệ thống này khá giống với kính HoloLens của Microsoft.

Kính thực tế ảo này sẽ phóng hình ảnh 3D ra khoảng không trước mặt giúp người dùng có thể tương tác dễ dàng.

Chẳng hạn, thay vì phải kiểm tra mail trên smartphone hoặc máy tính, người dùng Magic Leap Onechỉ cần phóng hình ảnh e-mail vào khoảng không và thao tác trực tiếp trên đó.

Magic Leap One có hẳn máy tính được trang bị khả năng xử lý và đồ họa mạnh mẽ, cùng bộ điều khiển xúc giác. Thiết bị được thiết kế nhỏ gọn, riêng máy tính có thể đeo thắt lưng hoặc bỏ gọn trong túi.



Smartwatch ế hàng vì loa thông minh

Một nghiên cứu mới từ công ty nghiên cứu thị trường eMarketer hé lộ, công nghệ thiết bị đeo, kể cả đồng hồ thông minh (smartwatch) vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là loa thông minh đã trở thành sản phẩm công nghệ hấp dẫn và hữu ích hơn.

 
Theo một cuộc khảo sát mới, ở Mỹ, vào dịp lễ Tết cuối năm nay, nhiều người dùng chọn mua loa thông minh thay vì smartwatch làm quà tặng.

Theo báo cáo của eMarketer, người dùng vẫn chưa tìm ra được lí do thuyết phục họ nên một chiếc smartwatch khi trong nhiều trường hợp, sản phẩm này thậm chí còn có giá ngang bằng một chiếc smartphone mới.

Tình trạng phát triển của thị trường thiết bị đeo tiếp tục khiến các nhà phân tích thất vọng. Hồi năm 2015, eMarketer từng dự báo, vói đối tượng người trưởng thành Mỹ, doanh số thiết bị đeo bán ra sẽ tăng 60% trong năm 2016. Song, mức tăng thực tế đạt được chỉ 24,7%. Đối với năm 2018, công ty nghiên cứu thị trường này tin tốc độ tăng trưởng của loại sản phẩm này sẽ giảm xuống còn 11,9% và sau đó giảm xuống một con số vào năm 2019 và các năm tiếp sau đó.

Chuyên gia phân tích Cindy Liu nhận định, bất kỳ sự tăng trưởng nào ở thị trường thiết bị đeo sẽ đều nhờ những người mới dùng smartwatch. Theo bà Liu, vấn đề nằm ở chỗ thiếu một sản phẩm smartwatch “nhất định phải có” và thị trường thiết bị đeo hầu như vẫn nằm dưới sự thống trị của các loại vòng đeo theo dõi sức khỏe.

Thống kê cho thấy, chỉ riêng ở Mỹ, trong khi 77% người trưởng thành luôn mang theo bên mình một chiếc smartphone, chỉ có 20% số người trưởng thành đeo một chiếc smartwatch.

“Ngoại trừ những người mua smartwatch đời đầu, người tiêu dùng vẫn phải tìm ra lí do thuyết phục cho mức giá của một chiếc smartwatch, vốn có thể ngang ngửa một chiếc smartphone. Do đó, vào dịp lễ Tết năm nay, chúng tôi dự đoán loa thông minh sẽ trở thành món quà được nhiều tín đồ công nghệ lựa chọn vì mức giá rẻ hơn”, nhà phân tích Liu nói.

Theo các nhà phân tích, không chỉ lép vế trước loa thông minh, kính thực tế ảo, sản phẩm được tin sẽ thịnh hành hơn trong vòng 2 – 3 năm tới dự kiến cũng sẽ đe dọa tước bớt thị phần vốn đã ít ỏi của smartwatch trong lĩnh vực thiết bị đeo.



Thanh toán tự động: Cẩm nang của người hiện đại

Không cần phải nhớ và mất thời gian để thanh toán các hoá hơn hàng tháng, giờ đây chỉ với một lần đăng ký duy nhất, mọi hóa đơn của bạn sẽ được thanh toán tự động, đúng hạn và liên tục mỗi tháng.

Phương thức thanh toán nhiều tiện ích

Trong thời đại công nghệ số, khi mọi mua bán, thanh toán có thể thực hiện ngay trên chiếc di động nhỏ xinh, việc xếp hàng thanh toán cước hay phải đi hàng ki-lô-mét để mua thẻ cào nạp tiền điện thoại đã là chuyện “xưa rồi Diễm”.

Với một lời đề nghị “đi mua giúp mẹ cái thẻ điện thoại”, thế hệ @ chỉ việc ngồi một chỗ vào mạng internet là có thể mua thẻ, nạp tiền… và thậm chí đăng kí ngay cho mẹ phương thức thanh toán tự động để khi tài khoản điện thoại hết tiền, đến kì thanh toán cước, lập tức ngân hàng sẽ thanh toán mọi hóa đơn.

Nhờ sự phát triển của công nghệ và các dịch vụ thanh toán trên nền tảng công nghệ, những cảnh tượng xếp hàng chờ thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, Internet… hay mở cửa trả tiền mặt cho nhân viên thu cước đang dần biến mất khỏi đời sống hiện đại.

Các phương thức mới như thanh toán trực tuyến, thanh toán tự động với đặc tính vừa tiết kiệm thời gian, công sức, vừa tiết kiệm chi phí đang dần dần thay thế những phương thức thanh toán truyền thống tốn sức người, sức của.

Một thống kê của diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam VEPF cho thấy, có tới 48% người tiêu dùng Việt ưa chuộng những ứng dụng thanh toán hóa đơn tự động. Đó là vì với hình thức thanh toán này, người dùng không phải trả thêm phí cho người thu tiền hoặc lo lắng dịch vụ bị gián đoạn do thanh toán chậm trễ. Nền tảng công nghệ hiện đại khiến thanh toán tự động diễn ra gần như tức thì, giúp tiết kiệm thời gian đáng kể.

Còn về phía các đơn vị cung cấp dịch vụ điện nước, Internet… thanh toán hóa đơn tự động giúp cắt giảm đáng kể chi phí cho nhân lực, in ấn, giao dịch… và quan trọng nhất là nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, quá trình thanh toán hóa đơn tự động bao gồm việc mã hóa các giao dịch, khiến các đơn vị cung cấp dịch vụ chủ động hơn và đảm bảo tính chính xác cao hơn.

Thanh toán tự động, nhà mạng bắt kịp xu hướng thế giới

Tại Việt Nam, các phương thức thanh toán mới đã và đang bùng nổ trong 5-7 năm trở lại đây. Việc thanh toán tự động cho những hóa đơn dịch vụ cố định hàng tháng như điện, nước, điện thoại, internet… đang dần trở nên phổ biến và trở thành một xu hướng tất yếu.

Tiên phong bắt kịp xu thế thanh toán tiện ích của thế giới này là các nhà mạng viễn thông. Chẳng hạn như thuê bao MobiFone có thể thanh toán cước qua hình thức Fast Pay và thanh toán trực tuyến bao gồm: thu cước tự động qua tài khoản ngân hàng, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu không chờ chấp thuận, ATM, Internet Banking, E Bank, Web MobiFone Portal, POS,…

Mới đây, nhà mạng này đã phát triển thêm các tiện ích cho dịch vụ Thanh toán và nạp tiền tự động cho thuê bao MobiFone trả trước và trả sau.

Chỉ cần đăng kí 1 lần duy nhất, khách hàng có thể thanh toán, nạp tiền cho nhiều thuê bao tự động đúng hạn và liên tục hàng tháng.

Với các thuê bao trả sau, MobiFone cung cấp 6 lựa chọn thanh toán tự động vào các ngày 5, 6, 15, 16, 25, 26. Hàng tháng, vào đúng ngày khách hàng lựa chọn, hệ thống sẽ tự động trừ toàn bộ nợ cước của thuê bao vào thẻ/tài khoản thanh toán khách hàng đã đăng ký. Nếu như vào ngày thực hiện thanh toán, thẻ/tài khoản của khách hàng không đủ số dư, MobiFone sẽ tự động thực hiện lệnh thanh toán vào ngày thứ 10 kế tiếp. Như vậy khách hàng không còn lo lắng chậm thanh toán tiền cước hàng tháng ngay cả khi chẳng may hết tiền, vượt hạn mức trong thẻ/tài khoản tại ngày khách hàng đã đăng ký.

Với các thuê bao trả trước, có 5 mệnh giá thẻ nạp 100.000VND; 200.000VND; 300.000VND; 500.000VND và 1.000.000VND. Hệ thống sẽ tự động nạp tiền vào tài khoản chính cho khách hàng khi số dư trong tài khoản chính của thuê bao còn dưới 5.000 VND.

Thuê bao sở hữu thẻ quốc tế (VISA, JCB, AMEX, Master Card) có thể truy cập trang web http://www.mobifone.vn hoặc ứng dụng My MobiFone tiến hành đăng nhập và hoàn thành mẫu đăng ký trực tuyến sử dụng Dịch vụ “Thanh toán và nạp tiền tự động” theo hướng dẫn. Sau khi nhập xong các thông tin, hệ thống sẽ trả mã OTP để xác nhận hoàn tất đăng ký sử dụng dịch vụ.

Trong quá trình thanh toán tự động, nếu xảy ra lỗi, hệ thống MobiFone sẽ gửi tin nhắn thông báo cho khách hàng. Nhờ đó, khách hàng hoàn toàn không cần nhớ và mất thời gian thanh toán cước, chỉ cần đăng kí 1 lần, mọi việc đã có MobiFone lo.

Đại diện MobiFone cho biết, việc thanh toán và nạp tiền tự động trên hệ thống MobiFone rất an toàn bởi thông tin khách hàng được mã hóa bằng Tokenization. Giải pháp Tokenization đảm bảo tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn bảo mật của của các Đối tác Cổng thanh toán (Secure Sockets Layer, PCI DSS, Tiêu chuẩn mã hóa MD5 128 bit,…). Điều này giúp đảm bảo các chi tiết tài khoản ngân hàng của khách hàng trong các giao dịch thẻ tín dụng và thương mại điện tử được an toàn.

Trong tương lai, MobiFone sẽ còn phát triển nhiều tiện ích để hiện thực hóa cam kết sẽ mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tiết kiệm, tiện lợi… cho các khách hàng, đại diện MobiFone chia sẻ thêm.



Chủ tịch VNPT: “Thu nhập bình quân cán bộ, nhân viên VNPT đạt 20,15 triệu đồng/tháng”

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cho biết, năm 2017 là năm thứ 4 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng trên 20% và thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên đạt 20,15 triệu đồng/tháng.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch VNPT

Ngày 26/12/2017, VNPT đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2018. Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cho biết, sau tái cơ cấu, công tác điều hành, quản trị doanh nghiệp của VNPT đã có những thay đổi mang tính đột phá, không những thể hiện tầm nhìn chiến lược mà còn có những chuyển biến căn bản đi vào chiều sâu, thúc đẩy hoạt động SX-KD của Tập đoàn.

Theo ông Trần Mạnh Hùng, năm 2017, VNPT đã tham gia mạnh mẽ và đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử tại 61/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, phần mềm quản lý văn bản và điều hành (VNPT-eOffice) được sử dụng tăng gấp 4 lần, phần mềm một cửa điện tử (VNPT-iGate) tăng gấp 3 lần, Cổng thông tin điện tử (VnPortal) tăng 1,2 lần, phần mềm giáo dục tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2016.

“Năm 2017, VNPT chủ động đầu tư trực tiếp nâng cao chất lượng mạng lưới lắp đặt phủ sóng với số lượng trạm BTS lớn nhất từ trước đến nay. Năm 2017 đã phát sóng thêm trên 20.000 trạm di động 2G, 3G và 4G, nâng tổng số trạm toàn mạng lên xấp xỉ 75.000 trạm; tổng băng thông Internet quốc tế tăng hơn 83% so với năm 2016; tổng năng lực caching của VNPT tăng hơn 2,1 lần”, ông Trần Mạnh Hùng nói.

Người đứng đầu VNPT cho hay, doanh thu toàn Tập đoàn năm 2017 tăng 7% so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận toàn Tập đoàn tăng 21% so với thực hiện năm 2016 và đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp lợi nhuận của VNPT đạt mức tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên Tập đoàn năm 2017 đạt 20,15 triệu đồng/tháng.

“Những con số này đã minh chứng cho những nỗ lực rất lớn của tập thể Lãnh đạo, CBCNV Tập đoàn VNPT, tiếp tục khẳng định Tập đoàn đã tái cấu trúc đúng hướng”, ông Hùng nhấn mạnh.

Với VNPT, 2017 là năm thứ hai thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020, năm tiền đề cho việc cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2017-2020 để tiến tới cổ phần hóa, đồng thời từng bước chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống thành nhà cung cấp giải pháp dịch vụ ICT.

VNPT khẳng định CNTT sẽ trở thành mảng kinh doanh mũi nhọn trong giai đoạn 2016 – 2020. Đến nay, VNPT đã trở thành đối tác chiến lược về viễn thông – CNTT với 52/63 tỉnh/TP. Trong năm 2017, Tập đoàn đã tiếp cận, giới thiệu, triển khai mô hình xây dựng thành phố thông minh tại 17 tỉnh/thành phố. Cuối tháng 10/2017, VNPT và UBND huyện đảo Phú Quốc chính thức công bố hoàn thành Giai đoạn 1 Đề án xây dựng thành phố thông minh Phú Quốc. Phú Quốc chính thức vận hành và hoạt động như một smart city. Tiếp đó, VNPT đã hoàn thành Đề án Đô thị thông minh cho TP.HCM và hoàn thành Đề án Du lịch thông minh cho Hà Nội.

Năm 2017, Tập đoàn tiếp tục thực hiện mục tiêu làm chủ phần thiết bị đầu cuối khách hàng, chủ động đảm bảo an toàn, an ninh mạng trên hệ thống, mảng sản xuất công nghệ công nghiệp sẽ được VNPT đẩy mạnh đầu tư và phát triển. Trong năm 2017, VNPT đã sản xuất trên 2,1 triệu sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm mới trong các lĩnh vực IoT, LTE, cảm biến…

Theo công bố của Công ty tư vấn chiến lược và đánh giá thương hiệu Brand Finance, VNPT và VinaPhone đều nằm trong Top 10 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam 2017: VNPT đứng thứ 3 với giá trị 726 triệu USD, VinaPhone đứng thứ 8 với giá trị 314 triệu USD (tăng một bậc và tăng 11% giá trị so với năm 2016).

VNPT cho biết, mục tiêu năm 2018, Tập đoàn sẽ tập trung phát triển các dịch vụ công nghệ thông tin mang tính đột phá trong kinh doanh chuyển từ khái niệm nhà mạng viễn thông (Telco) sang nhà cung cấp dịch vụ truyền thông kỷ nguyên số (DSP) nhằm chuyển đổi sang kinh doanh các dịch vụ số, các dịch vụ giá trị gia tăng, CNTT, truyền thông và công nghiệp CNTT. Năm 2018, VNPT đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 10% so thực hiện năm 2017, tăng trưởng doanh thu từ 6,5% đến 8% so với thực hiện năm 2017.



Chuyển mạng giữ số: Lỡ nhịp đầu năm?

Chụp tại cửa hàng sim số trên phố Kim Mã (Hà Nội) ngày 21.12. Ảnh: HẢI NGUYỄN


VNPT tuyển dụng nhiều vị trí quan trọng

Nhằm tăng cường năng lực trong công tác quản trị rủi ro, cạnh tranh và phát triển bền vững, VNPT đang có nhu cầu tuyển dụng một số nhân lực cho các vị trí công việc: quản trị rủi ro doanh nghiệp về kinh tế; quản trị rủi ro doanh nghiệp về kỹ thuật và quản trị rủi ro doanh nghiệp về công nghệ thông tin.
 

Tất cả các vị trí này đều làm việc tại Ban Chất lượng của Tập đoàn VNPT. Thông tin tuyển dụng cụ thể như sau:

I. Vị trí/chức danh công việc cần tuyển dụng: Chuyên viên Quản trị rủi ro doanh nghiệp (QTRR)

1. Đơn vị làm việc: Ban Chất lượng – Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

2. Số lượng cần tuyển: 03 (ba) người, trong đó 01 vị trí quản trị rủi ro doanh nghiệp về kinh tế, 01 vị trí quản trị rủi ro doanh nghiệp về kỹ thuật và 01 vị trí quản trị rủi ro doanh nghiệp về công nghệ thông tin.

3. Mô tả công việc:

– Xây dựng, cập nhật và hoàn thiện chính sách quản trị rủi ro doanh nghiệp bao gồm: Chiến lược, quy trình, khẩu vị và thước đo rủi ro, hồ sơ rủi ro,…

– Tổng hợp báo cáo tháng/quý/năm về quản trị rủi ro.

– Thẩm định, giám sát việc tích hợp quản trị rủi ro vào các dự án, cơ chế chính sách.

– Đào tạo, truyền thông giải đáp, hỗ trợ các đơn vị về nghiệp vụ quản trị rủi ro doanh nghiệp.

– Xây dựng, cập nhật dữ liệu về quản trị rủi ro doanh nghiệp vào cơ sở dữ liệu tập trung về rủi ro.

4. Các yêu cầu:

4.1. Yêu cầu chung khi xét duyệt hồ sơ:

– Đối với người Việt Nam: Là công dân nước CHXHCN Việt Nam, có hộ khẩu thường trú trên lãnh thổ Việt Nam.

– Đối với người nước ngoài: phải có giấy phép lao động tại Việt Nam còn hiệu lực tối thiểu 6 tháng.

– Có độ tuổi từ 18 tuổi trở lên, phù hợp với độ tuổi của vị trí tuyển dụng: Nam không quá 40 tuổi; nữ không quá 35 tuổi (tính đến ngày 31/12/2017).

– Có nguyên vọng và nộp đủ hồ sơ được quy định.

– Có đủ sức khỏe làm việc.

– Không bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

– Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án tù, cải tạo không giam giữ, đang bị quản chế hoặc bị áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc tại địa phương hoặc bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính như: đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục nhân phẩm, trong thời gian bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm một số công việc nhất định.

– Trình độ học vấn: Cử nhân, kỹ sư đại học hệ chính quy các trường: Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội/Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Tài chính Kế toán, Đại học Bách khoa Hà Nội/Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Ngoại thương Hà Nội; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Nếu học ở nước ngoài thì trường đại học đó phải thuộc Top 1000 của thế giới (theo The Times Higher Education World University Rankings 2017). Có bằng Thạc sĩ tại các trường đã nêu hoặc các hệ liên kết với nước ngoài của các trường tại Việt Nam đã nêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận (được ưu tiên cộng điểm).

– Trình độ Tiếng Anh: Có chứng chỉ tiếng Anh chuẩn quốc tế TOEIC tối thiểu 550 điểm trở lên hoặc tương đương.

– Kinh nghiệm công tác: Có tối thiểu 05 năm công tác trong ngành Viễn thông-Công nghệ thông tin. Có hiểu biết tốt về nghiệp vụ kế hoạch/kế toán/kỹ thuật/dịch vụ của VNPT.

– Có chứng chỉ về quản trị rủi ro doanh nghiệp (được ưu tiên cộng điểm).

4.2. Yêu cầu khi xét duyệt thi tuyển:

– Kỹ năng mềm: Lãnh đạo (Leadership), Truyền cảm hứng (Motivation), Đề xuất sáng kiến (Innovation), Thương lượng (Negotiation), Trao đổi thông tin (Communication), Tư vấn (Consultation), Làm việc nhóm (Team Building), Đồng thuận ý tưởng (Consensus Building), Kinh nghiệm (Experience), Lập kế hoạch (Planning), Ra quyết định (Decision making).

– Kiến thức kinh tế/kỹ thuật/công nghệ thông tin, hiểu biết về VNPT.

– Kiến thức về quản trị rủi ro doanh nghiệp.

II. Hồ sơ của ứng viên gồm:

1. Bản sơ yếu lý lịch có dán ảnh 4×6, người khai phải ký tên, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc của cơ quan quản lý người lao động (thời hạn 6 tháng).

2. Đơn xin tham gia dự tuyển/Đơn xin việc.

3. Giấy khám sức khỏe của các cơ sở y tế có thẩm quyền tại các Trung tâm y tế quận, huyện trở lên, các bệnh viện Trung ương và địa phương (có giá trị trong vòng 03 tháng gần nhất).

4. Bản sao công chứng hợp pháp các giấy tờ sau:

– Giấy khai sinh

– Bằng tốt nghiệp, chứng chỉ đào tạo.

– Kết quả học tập theo các văn bằng chứng chỉ

– Giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có).

5. Bản tóm tắt thông tin cá nhân của người dự tuyển về quá trình học tập, công tác, kinh nghiệm … của bản thân.

6. Giấy giới thiệu của người hoặc tổ chức có uy tín về quá trình học tập, công tác của ứng viên (nếu có).

III. Nhận hồ sơ tham gia dự tuyển:

1. Địa điểm nhận hồ sơ: Ban Chất lượng – Tập đoàn VNPT, tầng 12 tòa nhà VNPT 57 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội (bà Nguyễn Hương Giang; Tel: 0243 7741323; email: nhgiang@vnpt.vn).

2. Thời hạn nhận hồ sơ: từ ngày 15/12 đến hết ngày 25/12/2017.



Nhiều địa phương chọn giải pháp thành phố thông minh của VNPT

VNPT Smart City đã được hình thành, hội tụ cả thế mạnh về mặt công nghệ lẫn tính linh hoạt cũng như mô hình hợp tác đa dạng… là lý do khiến VNPT được nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước lựa chọn trở thành đối tác tin cậy trong chiến lược xây dựng đô thị thông minh của mình.

Chủ tịch VNPT Trần Mạnh Hùng giới thiệu giải pháp thành phố thông minh với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại gian hàng của VNPT .

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được cho là sẽ diễn ra với tốc độ và quy mô chưa từng có, làm biến đổi toàn nhân loại với hàng loạt công nghệ tiên tiến như phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), điện toán đám mây, công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT)… Những thay đổi này đặt tất cả doanh nghiệp trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vào một cuộc đua khốc liệt, bắt buộc phải thực hiện chuyển đổi số.

Ngoài những nỗ lực của tự thân doanh nghiệp, với vai trò quản lý nhà nước, Chính phủ và các cơ quan quản lý cũng phải “chuyển đổi” để tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển đổi ấy. Sự “chuyển đổi” này được phản ánh rõ nét qua việc các tỉnh thành phố hình thành nên những đô thị thông minh, với việc xây dựng các chính quyền điện tử, ngành y tế thông minh, giáo dục thông minh, giao thông thông minh…

Để đáp ứng nhu cầu này của cơ quan quản lý nhà nước, VNPT là một trong những doanh nghiệp tiên phong xây dựng các giải pháp về thành phố thông minh để áp dụng tại Việt Nam. Bên cạnh việc tự xây dựng các giải pháp dựa trên tình hình thực tế của Việt Nam, trong hơn 2 năm qua, VNPT cử nhiều đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều quốc gia khác nhau, hợp tác với nhiều đối tác lớn của nước ngoài như Microsoft, Fujitsu… để đảm bảo giải pháp VNPT Smart City cập nhật những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất, trong khi vẫn phù hợp, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các tỉnh thành trên cả nước, cả về tính năng lẫn tính bảo mật.

Nhờ đó, VNPT Smart City đã được hình thành, hội tụ cả thế mạnh về mặt công nghệ lẫn tính linh hoạt (triển khai trên một nền tảng hoàn toàn mở) cũng như mô hình hợp tác đa dạng (hợp tác công tư hoặc cho thuê dịch vụ…). Đó chính là lý do khiến VNPT được nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước lựa chọn trở thành đối tác tin cậy trong chiến lược xây dựng đô thị thông minh của mình. Tới thời điểm hiện tại, VNPT đang tư vấn cho 15 tỉnh thành phố về việc xây dựng đô thị thông minh.

Tháng 10 vừa qua, VNPT đã hoàn thành các dự án trong giai đoạn 1 thuộc Đề án thành phố thông minh tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), đưa Phú Quốc chính thức vận hành và hoạt động như một smart city.

Tại triển lãm Smart Industry World diễn ra ngày 4-5/12 vừa qua tại Hà Nội, VNPT thực hiện kết nối trực tuyến với Trung tâm điều hành hệ thống tại Phú Quốc, trình diễn các số liệu được tổng hợp, phân tích nhằm giám sát, quản lý thông số môi trường theo thời gian thực. Hệ thống nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, nhà nước cũng như khách tham gia triển lãm.

Mới đây nhất, ngày 26/11 vừa qua, UBND TP.HCM đã chính thức công bố đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” với mục tiêu đưa TP. HCM trở thành một đô thị thông minh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, và quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở áp dụng các công nghệ mới. Đề án được hoàn thành với sự hỗ trợ, tư vấn của VNPT theo thỏa thuận hợp tác tư vấn khung ký kết giữa hai bên ngày 29/9/2016.

Giống như tất cả các doanh nghiệp khác, VNPT cũng phải đối mặt với thách thức chuyển đổi số mà CMCN 4.0 đặt ra. Với những lợi thế đặc trưng trong lĩnh vực hoạt động, VNPT đã được tiếp cận và sớm nhận biết được xu hướng chuyển đổi số trong CMCN 4.0 và có những bước đi chuẩn bị từ sớm. Cho tới thời điểm hiện tại, VNPT đã xây dựng xong chiến lược phát triển chung của doanh nghiệp cũng như chiến lược phát triển nguồn nhân lực – hai yếu tố quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi số.



Geminids là trận mưa sao băng lớn nhất trong năm. Mưa sao băng Geminids 2017 đạt đỉnh vào tối nay 13/12, rạng sáng 14/12.

Trận mưa sao băng Geminids 2017 diễn ra vào tối nay 13/12, rạng sáng 14/12, không trùng mới ngày trăng sáng nên người yêu thiên văn có cơ hội chiêm ngưỡng trọn vẹn sự kiện.

Dự báo cực điểm của trận mưa sao băng sẽ vào lúc 1 giờ sáng 14/12 theo giờ Việt Nam và kéo dài trong khoảng 1 giờ.

Theo ước tính có khoảng hơn 1 triệu người trên thế giới sẽ đón xem hiện tượng thiên văn kỳ thú này.

Geminids được coi là một trong những trận mưa sao băng ngoạn mục nhất năm 2017 với tần suất cực điểm lên đến 120 vệt mỗi giờ.

Tất cả mọi nơi trên thế giới đều có thể chiêm ngưỡng trận mưa sao băng lớn nhất năm này.

Geminids là mưa sao băng xuất phát từ những mảnh vụn của tiểu hành tinh 3200 Phaethon, có đường kính khoảng 5km và chuyển động quanh Mặt Trời trên quỹ đạo có chu kỳ 1,4 năm.

Dưới đây là những bức ảnh đẹp nhất về trận mưa sao băng lớn nhất này từng được ghi nhận ở nhiều điểm khác nhau trên toàn thế giới, là minh chứng về độ rực rỡ của Geminids.

 


Phát hiện thêm 58 hang động mới ở Phong Nha – Kẻ Bàng

Trao đổi với báo chí, ông Lê Thanh Tịnh- Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng cho hay, vườn vừa thống kê danh sách 58 hang động mới tại vùng lõi và vùng đệm vườn. Trong đó, một số hang kích thước lớn, có giá trị.

VQG Phong Nha – Kẻ Bàng được mệnh danh là “Vương quốc hang động” . Ảnh: Tiền Phong

Được biết, các kiểm lâm và cán bộ VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã tổ chức cuộc khảo sát độc lập, không có sự tham gia của hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, trên cơ sở thông tin của người dân trong vùng.

Một số hang mất hai đến ba ngày đường rừng để tiếp cận. Nhiều hang có sương mù, hơi nước lạnh bốc ra từ cửa hang nên người dân không dám tự khám phá; nhiều hang phát hiện vỏ đạn, có sân khấu biểu diễn văn nghệ, được cho là từng sử dụng trong chiến tranh.

Ông Lê Thanh Tịnh cho biết, hồ sơ 58 hang động này sẽ chuyển giao cho đoàn chuyên gia Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh khảo sát trong thời gian tới và sẽ công bố chi tiết khi đoàn khảo sát tỉ mỉ và cập nhật kích cỡ từng hang động một.



Giám đốc Facebook lấn sân vào thị trường Bitcoin

Thứ 3 vừa qua, Giám đốc David Marcus của Facebook Messenger đã tham gia vào Hội đồng quản trị của Coinbase – sàn Bitcoin vừa được thành lập. Marcus cho biết ông đã tìm hiểu những thuật toán Bitcoin từ năm 2012 và hài lòng về cách hoạt động của nó.

David Marcus vừa trở thành thành viên Hội đồng quản trị của Coinbase.

Khi mối quan tâm đến Bitcoin ngày càng tăng vọt, thì thậm chí Giám đốc của Facebook cũng tham gia vào thị trường “bong bóng” này.

David Marcus – Giám đốc điều hành của ứng dụng Facebook Messenger đã tham gia vào Hội đồng quản trị của sàn giao dịch Coinbase – công ty chuyên giúp người tiêu dùng mua bán Bitcoin vừa được thành lập. Trước khi gia nhập vào mạng xã hội Facbook, David Marcus đã từng là Chủ tịch của dịch vụ chuyển tiền PayPal.

Trong một bài đăng trên blog cá nhân, Brian Armstrong – Giám đốc điều hành của Coinbase đã bày tỏ ông “rất vui” khi Marcus gia nhập công ty mình. Armstrong cũng cho biết với kinh nghiệm của mình, ông sẽ thu hút thêm nhiều nhà lãnh đạo “có tiềm năng” nữa vào Hội đồng quản trị, đưa sàn giao dịch Coinbase trở thành nơi mua và bán đồng tiền điện tử an toàn và phổ biến nhất.

Giám đốc Marcus đã dẫn link bài đăng của Brian Armstrong trên trang Twitter của mình, ông nói rằng mình đã theo dõi chặt chẽ các biến đổi về thuật toán của Bitcoin từ năm 2012 và thực sự thấy hài lòng về việc Coinbase phổ biến cách sử dụng chúng.

“Tôi tin rằng những việc mà công ty đang làm có tiềm năng làm thay đổi cuộc sống của mọi người trên thế giới, mong muốn chung tay làm việc với đội ngũ lãnh đạo của Coinbase để sớm đưa viễn cảnh này trở thành hiện thực”.

Việc bổ nhiệm của Marcus vào hội đồng của Coinbase diễn ra đúng vào lúc giá Bitcoin đang bùng nổ và đạt mức hơn 17.000 USD cao nhất từ trước đến giờ. Trùng hợp là ứng dụng Coinbase trên iPhone cũng đang được tải về nhiều nhất ở Mỹ, tuy có lúc nó đã phải vật lộn và bị vô hiệu hóa trong khi theo đáp ứng nhu cầu sốt sắng của người dùng Bitcoin gần đây (có thể xem tại đây).

Biến đổi của Bitcoin trong 3 tháng gần đây.

Có thể nói thu hút được Marcus vào Hội đồng quản trị là một chiến thắng lớn đối với Coinbase, tin tốt này có thể làm giá cổ phiếu của Bitcoin tăng theo chiều hướng có lợi cho Coinbase.

Tuy nhiên, có một số nhà quan sát thị trường lại cho rằng sẽ có những mối nguy hiểm tiềm tàng, khi mà những báo cáo cho biết người tiêu dùng đang ngày càng có xu hướng thế chấp tài sản, đổ hết tiền bạc vào việc mua tiền ảo này. Đầu tuần qua, Armstrong đã đăng lên trang blog của mình khuyên người dùng nên biết cách “đầu tư có trách nhiệm”, bởi những biến động cực đoan của đồng Bitcoin và các vấn đề ky thuật khác có thể mang lại rủi ro.



Trung Quốc lắp đặt mạng lưới camera giám sát nhận diện lớn nhất thế giới

Trung Quốc đang xây dựng hệ thống giám sát lớn nhất thế giới với hàng trăm triệu camera và có khả năng tự động nhận diện công dân dựa trên công nghệ tiên tiến và dữ liệu lớn.

Theo Global News, Xu Chiheng, 27 tuổi, nhà đồng sáng lập SenseTime – công ty phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt, là một trong những doanh nhân trẻ đang tận dụng các tiến bộ công nghệ và thị trường đầy tiềm năng tại Trung Quốc. Dự kiến, sau khi hoàn thành vòng gọi vốn hiện tại, startup này sẽ có giá trị 2 tỷ USD.

SenseTime cùng nhiều công ty Trung Quốc khác đang dẫn đầu cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực này trên toàn cầu. Một trong những khách hàng lớn nhất của những công ty như SenseTime là chính phủ Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đã và đang liên tục khuyến khích việc phát triển công nghệ này, Wang Shengjin, giáo sư Khoa kỹ thuật điện tử Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) cho biết.

Trong khi trên thế giới, công nghệ như thế này đối mặt với những quan ngại về sự riêng tư, thì tại Trung Quốc, người dân có thái độ không rõ ràng khi mọi hoạt động của mình đều bị giám sát.

“Tôi cho rằng, cuộc sống của mỗi người đều tồn tại những vấn đề liên quan đến sự an toàn và sự riêng tư. Khi hai điều này xung đột, người Trung Quốc có lẽ sẽ quan tâm nhiều hơn tới sự an toàn”, Wang nói.

Những công ty như Cloudwalk – với nhiều khách hàng là các sở cảnh sát Trung Quốc, cũng đang phát triển các công nghệ mà họ cho biết có thể “dự báo được hành vi phạm tội”.

Chính phủ Trung Quốc cũng đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khổng lồ, đủ lớn để khi đưa vào sử dụng có thể nhận diện bất kỳ công dân nào trong vài giây thông qua hệ thống camera toàn quốc, theo một đăng tải trên trang South China Morning Post hồi tháng 10.

Các công nghệ nhận diện khác được phát triển nhằm mục đích làm những điều mà hệ thống nhận diện khôn mặt hiện chưa làm được.Trong đó, Bắc Kinh đang xây dựng cơ sở dữ liệu về giọng nói để nhận diện một người dựa trên cách phát âm và nói chuyện của họ, theo Human Rights Watch.

Năm 2015, cảnh sát nước này đã thu thập 70.000 mẫu giọng nói tại tỉnh An Huy – nơi đang diễn ra các cuộc thử nghiệm về nhận diện giọng nói, Human Rights Watch cho biết.

Một phương thức nhận diện khác là qua bước đi của một người. Công nghệ nhận dạng bước đi cho phép nhận diện một người ở khoảng cách xa hơn, khi không thể quét được khuôn mặt họ. Công nghệ này đang được phát triển bởi Watrix – công ty cho biết đang xây dựng công nghệ nhận diện có tính ứng dụng thương mại tiên tiến nhất thế giới.

Watrix đang hợp tác với một lưc lượng nhỏ cảnh sát Trung Quốc để thử nghiệm công nghệ này trên tù nhân, CEO Huang Yongzhen của công ty này cho biết.