Sẽ trình Thủ tướng xét công nhận Công viên phần mềm Đà Nẵng là khu CNTT tập trung

Trên cơ sở hoàn thiện tiêu chí về diện tích đồng thời đánh giá lại các tiêu chí khác theo quy định mới, tháng 6/2017, UBND TP.Đà Nẵng đã thực hiện thủ tục đề nghị công nhận CVPM Đà Nẵng là khu CNTT tập trung theo quy định mới (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Đà Nẵng đề nghị công nhận khu CNTT tập trung

Trong dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận CVPM Đà Nẵng là khu CNTT tập trung, Bộ TT&TT cho biết, CVPM Đà Nẵng được đưa vào sử dụng tháng 10/2008 và chính thức khai trương cuối tháng 4/2010 với mục tiêu phát triển công nghiệp CNTT thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành một trong ba trung tâm công nghệ cao của cả nước. CVPM Đà Nẵng được xây dựng trên diện tích đất khoảng 0,8 ha và có tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 300 tỷ đồng, với khoảng hơn 2.000 chuyên gia, người lao động lĩnh vực CNTT làm việc trong khu.

CVPM Đà Nẵng được Bộ TT&TT công nhận là khu CNTT tại Quyết định 115 năm 2011, căn cứ theo Nghị định 71 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật CNTT về công nghiệp CNTT. Từ đó cho đến nay, CVPM Đà Nẵng đã có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển công nghiệp CNTT của Thành phố; đóng góp ngày càng nhiều vào tổng giá trị ngành công nghiệp CNTT của Đà Nẵng, đồng thời góp phần đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực CNTT.

Đến tháng 11/2013, Chính phủ ra Nghị định 154 quy định về khu CNTT tập trung (Nghị định 154) với các tiêu chí mới, chính sách ưu đãi cụ thể để thúc đẩy phát triển khu CNTT tập trung phù hợp với tình hình mới. Theo Khoản 4, Điều 28 Nghị định này, các khu CNTT tập trung được công nhận trước ngày Nghị định 154 có hiệu lực mà không đáp ứng được các tiêu chí tại Điều 5 Nghị định 154 thì trong thời hạn 2 năm phải hoàn thành. Quá thời hạn 2 năm, các khu này phải hoàn thiện và thực hiện quy trình công nhận khu CNTT tập trung; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Cũng theo dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2014 – 2015, để quy hoạch, quản lý và phát triển các khu CNTT tập trung theo đúng quy định tại Nghị định 154 và Quyết định 2407 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến 2020 và định hướng đến 2025, Bộ TT&TT đã lập Đoàn công tác liên ngành gồm các Bộ Tài chính, KH&ĐT để khảo sát thực tế khu CNTT tập trung Cầu Giấy, CVPM Quang Trung và CVPM Đà Nẵng.

Kết quả, CVPM Đà Nẵng đã đáp ứng hầu hết các tiêu chí theo quy định tại Nghị định 154. Tuy nhiên, về diện tích đất, CVPM Đà Nẵng chỉ có tổng diện tích là 0,8ha và chưa đáp ứng tiêu chí mới quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 154. Điều khoản này quy định với khu chỉ tập trung các cơ sở sản xuất phần mềm, nội dung số, dịch vụ CNTT thì tổng diện tích tối thiểu phải 1 ha.

Tiếp đó, tháng 5/2017, UBND TP.Đà Nẵng đã bổ sung quỹ đất bãi đỗ xe ngầm phía Nam của Trung tâm hành chính giao CVPM Đà Nẵng quản lý vận hành; qua đó nâng tổng diện tích của CVPM Đà Nẵng thành 10.885,6 m2, đáp ứng quy định của Nghị định 154. Trên cơ sở hoàn thiện tiêu chí về diện tích, đồng thời đánh giá lại các tiêu chí khác theo quy định mới, UBND TP.Đà Nẵng đã thực hiện thủ tục đề nghị công nhận CVPM Đà Nẵng là khu CNTT tập trung theo quy định của pháp luật.

Tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động trong CVPM Đà Nẵng

Đề cập đến công tác thẩm định hồ sơ của CVPM Đà Nẵng, tại dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT nêu rõ, việc thẩm định được thực hiện theo đúng quy trình đã quy định tại Điều 18 của Nghị định 154. Cụ thể, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi 2 Bộ KH&ĐT, Tài chính cùng các đơn vị có liên quan để lấy ý kiến về việc xem xét, xác nhận CVPM Đà Nẵng đáp ứng được các tiêu chí theo quy định của khu CNTT tập trung và công nhận CVPM Đà Nẵng là khu CNTT tập trung.

Dự thảo tờ trình của Bộ TT&TT cho hay, thời gian qua, Đà Nẵng đã tập trung đầu tư CVPM gồm 2 toà nhà 21 tầng và tòa nhà 8 tầng, tọa lạc tại số 2, số 15 đường Quang Trung. Đây là nơi hoạt động của các doanh nghiệp CNTT=TT, có quy mô lớn, có hạ tầng CNTT hiện đại nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên, bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp CNTT hoạt động.

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, trong những năm qua, CVPM Đà Nẵng đã có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển công nghiệp CNTT thành phố Đà Nẵng (Ảnh minh họa: tttt.danang.gov.vn)

Bộ TT&TT đánh giá, những năm qua, CVPM Đà Nẵng đã có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển công nghiệp CNTT TP.Đà Nẵng. Cụ thể, CVPM này là địa điểm thu hút đầu tư chủ yếu đối với các doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước đến đầu tư tại Đà Nẵng. Ba năm gần đây, nhiều tập đoàn, công ty phần mềm lớn ở 2 đầu đất nước và cả nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đã đến tìm hiểu, đầu tư tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, nhu cầu mở rộng, phát triển văn phòng tại CVPM Đà Nẵng trong 2 năm trở lại đây tăng mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp châu Á như NeoLab, AIKA, Nippon Seiki, IF Việt Nam… Qua đó, đóng góp ngày càng cao vào tổng giá trị ngành công nghiệp CNTT TP.Đà Nẵng.

CVPM Đà Nẵng cũng là không gian để các doanh nghiệp CNTT hoạt động, liên kết, phối hợp, chia sẻ nguồn lực và thị trường, góp phần phát triển công nghiệp CNTT cho Đà Nẵng nói riêng và khu vực nói chung. Hiện nay, tại đây bên cạnh sự phát triển của Hiệp hội DN phần mềm Đà Nẵng thì Hiệp hội DN Nhật Bản cũng hoạt động sôi nổi, nâng cao sự phát triển của cộng đồng Nhật Bản trong phát triển nhân lực CNTT.

Đồng thời, đây còn là địa điểm thu hút lực lượng lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực CNTT; góp phần ổn định an sinh, xã hội, tránh được hiện tượng chảy máu chất xám trong lĩnh vực CNTT trên địa bàn Đà Nẵng; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư trong nước và quốc tế vào khu CNTT tập trung, mở rộng và phát triển thị trường CNTT…

“Với những thành công đạt được, việc công nhận CVPM Đà Nẵng là khu CNTT tập trung sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đang hoạt động trong khu; tiếp tục là điểm tựa vững chắc trong tiến trình phát triển CNTT của thành phố cũng như khu vực”, dự thảo tờ trình của Bộ TT&TT nêu.

M.T