All posts by Điền Văn Minh



Lùi thời hạn khắc phục xong sự cố trên hai tuyến cáp biển

Đại diện nhà mạng VinaPhone (VNPT) vừa cho biết, tiến độ xử lý lỗi trên tuyến cáp quang biển SMW-3 (SMW-3 là tuyến cáp quang Đông Nam Á – Trung Đông – Tây âu 3) sẽ tiếp tục bị kéo dài. Ước tính sự cố sẽ được khắc phục trong khoảng thời gian từ ngày 21 đến 26-12-2017, thay vì sẽ xong vào ngày 10-12-2017 như kế hoạch trước đó. Sau khi xử lý xong lỗi trên tuyến cáp SMW-3, tàu sửa cáp mới tiếp tục tiến hành sửa lỗi trên tuyến cáp AAG (Asia American Gateway – châu Á Thái Bình Dương), do đó tiến độ xử lý tuyến cáp biển AAG cũng bị ảnh hưởng và kéo dài.

Vào lúc 5 giờ 10 ngày 10-10-2017, tuyến cáp quang biển SMW-3 gặp sự cố lần thứ hai trong năm 2017. Nguyên nhân được xác định là do lỗi cáp tại vùng biển gần Trung Quốc. Từ thời điểm gặp sự cố đến nay, lịch sửa chữa, khắc phục sự cố trên tuyến cáp biển này đã ba lần bị lùi và thời gian bị gián đoạn liên lạc đã lên tới hơn 2 tháng.

Tuyến cáp quang biển quốc tế AAG gặp sự cố lần thứ 5 trong năm nay vào 9 giờ 15 ngày 7-11-2017. Sự cố xảy ra trên tuyến cáp biển AAG lần gần nhất được xác định là lỗi dò nguồn (lỗi shun fault) giữa trạm cập bờ VTU và BU4, cách trạm cập bờ Vũng Tàu (VTU) khoảng 35,89 km. Thời gian khắc phục sự cố trên tuyến cáp biển AAG được đối tác quốc tế dự kiến trước đó là từ ngày 14 đến 18-12-2017. Tuy nhiên, thời điểm này sẽ bị đẩy lùi khoảng 1 tuần.



VNPT trình diễn nhiều giải pháp tại Hội nghị Thành phố thông minh Bình Dương 2017

Tuy mới bắt đầu được tổ chức vào năm 2016 nhưng Hội nghị Thành phố thông minh Bình Dương đã ngay lập tức gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng công nghệ Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung. Thành phố thông minh Bình Dương 2016 thu hút hơn 700 khách mời tham gia phiên hội nghị toàn thể, hơn 2000 lượt khách tham quan triển lãm với 24 gian hàng gồm nhiều tên tuổi lớn như IBM, Intel, Philips, Bosch…

Hội nghị Thành phố thông minh Bình Dương 2017 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cùng Lãnh sự quán Hà Lan chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành của tỉnh tổ chức với mục tiêu chia sẻ tầm nhìn, hướng đi và quá trình khởi đầu xây dựng đề án Thành phố thông minh Bình Dương. Hội nghị sẽ có quy mô lớn hơn so với năm trước, quy tụ không chỉ các chuyên gia, doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế mà còn có sự góp mặt của các nhà hoạch định chiến lược phát triển đầu ngành đến từ các tổ chức nghiên cứu nổi tiếng: Viện Fraunhofer (Đức), Viện ITRI (Đài Loan), ICF (Mỹ)…

Với vị thế là Tập đoàn CNTT & TT hàng đầu tại Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển Internet vạn vật (Internet of Things – IoT), VNPT hiện đã ký kết thỏa thuận hợp tác cung cấp cho hơn nhiều Tỉnh/TP trên cả nước về triển khai xây dựng Thành phố thông minh. VNPT tham gia và giới thiệu đến sự kiện Hội nghị Thành phố thông minh Bình Dương năm nay nhiều sản phẩm và giải pháp công nghệ.

Đặc biệt phải kể đến các giải pháp IoT, tiêu biểu trong số đó là 2 giải pháp Smart Agriculture và Smart Transportation do VNPT Technology nghiên cứu và phát triển. VNPT Technology là đơn vị thành viên chủ lực của Tập đoàn VNPT trong lĩnh vực sản xuất Công nghệ, Công nghiệp Điện tử viễn thông, Công nghệ thông tin, Truyền thông và Công nghiệp Nội dung số.

Smart Agriculture (Nông nghiệp thông minh) là một giải pháp hỗ trợ nông nghiệp, được giới thiệu dưới dạng Vali IoT. Không chỉ giúp đo đạc tất cả các thông số của đất, môi trường, đề xuất thời gian tưới, thời gian chiếu sáng phù hợp theo từng giai đoạn cho các trang trại trồng trọt, giải pháp còn giúp các trang trại chăn nuôi quản lý tất cả các khâu như hệ thống cho ăn, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thu hoạch trứng, hệ thống thu gom phân, hệ thống sưởi ấm….

Sau khi được lắp đặt, các camera và cảm biến sẽ liên tục cập nhật các thông số liên quan đến môi trường trồng trọt, chăn nuôi (độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng…) và báo về cho người quản lý thông qua ứng dụng trên điện thoại hoặc máy tính. Từ đó người dùng có thể điều khiển các hệ thống hỗ trợ như đèn, quạt gió, hệ thống tưới tiêu từ xa. Đặc biệt người dùng còn có thể cài đặt chế độ tự động, ứng dụng sẽ tự kích hoạt các hệ thống hỗ trợ cần thiết khi điều kiện môi trường thay đổi như tự bơm nước tưới khi độ ẩm xuống thấp, tự bật đèn khi trời tối….

Smart Transportation (Giao thông thông minh) là giải pháp quản lý thông minh dành cho ôtô và xe bus thông qua các ứng dụng. Với các thiết bị cảm biến gắn trên xe, người chủ sở hữu có thể dễ dàng theo dõi các thông tin cơ bản và nâng cao của phương tiện như tốc độ, nhiệt độ, tình trạng áp suất bánh xe, tình trạng nguyên liệu, cảm biến cháy, cảm biến khói, cảm biến khí gas và cảnh báo khi có sự cố nguy hiểm. Ứng dụng còn cung cấp các tính năng chỉ dẫn, tìm đường trên bản đồ, gợi ý địa điểm như trạm xăng, bãi đỗ xe… trong khu vực xung quanh. Đặc biệt với xe bus, ứng dụng cập nhật cả số lượng người lên xuống xe, trạng thái đóng mở cửa xe…. và hệ thống quản lý nhiều xe bus cùng lúc, bao gồm cả quản lý tuyến đường di chuyển, điểm dừng đỗ, thông tin tài xế. Đây sẽ là giải pháp tối ưu cho các nhà quản lý phương tiện giao thông.

Giao thông và Nông nghiệp đều là những lĩnh vực quan trọng không thể thiếu nếu muốn phát triển mô hình Thành phố thông minh trong tương lai. Hiện tại, Tập đoàn VNPT đã và đang lên kế hoạch triển khai các dự án Smart City tổng thể tại hơn 15 Tỉnh/Thành phố, chưa kể các dự án trong lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, du lịch… được triển khai riêng lẻ. Bằng năng lực nghiên cứu và phát triển, cùng kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án, VNPT được đánh giá sẽ là nhà cung cấp giải pháp tiềm năng và phù hợp với nhu cầu triển khai thực tế tại Bình Dương trong thời gian tới.



Tròn 20 năm kể từ khi Internet có mặt ở Việt Nam, thói quen trong cuộc sống của người dân Việt Nam cũng thay đổi theo từng bước phát triển của hệ thống mạng toàn cầu này.

Ngày 19/11/1997, Internet chính thức được cung cấp cho người dân cả nước. VNPT, Netnam là những doanh nghiệp đầu tiên cung cấp dịch vụ Internet. Lúc này Internet được cung cấp trên hạ tầng mạng điện thoại cố định, tốc độ truy cập rất hạn chế. Sau quá trình 20 năm phát triển, tính đến năm 2017, Việt Nam hiện đã có 64 triệu người dùng mạng Internet, chiếm 67% dân số cả nước, với con số này, Việt Nam là nước có lượng người dùng đứng thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á.



Thành phố Hồ Chí Minh công bố đề án xây dựng thành phố thông minh

 Chiều 26/11, TP.HCM chính thức công bố đề án xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến 2025.

Việc xây đô thị thông minh nhằm thực hiện 4 mục tiêu tổng quát: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức; Quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; Nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; Tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.

Những lợi ích cho người dân trong “smart city”

Nói về lợi ích cho người dân trong một số lĩnh vực khi thực hiện đề án này, Phó chủ tịch UBND.TP Trần Vĩnh Tuyến, Trưởng ban điều hành đề án Thành phố thông minh, cho biết: xây dựng đô thị thông minh hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn.

Theo đó, trong lĩnh vực giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông; giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi/đỗ xe;

Trong lĩnh vực y tế,  bệnh án điện tử sẽ cho phép người dân truy cập bằng thiết bị điện thoại di động để xem, lưu trữ và chia sẻ với đội ngũ chăm sóc y tế…

Các hệ thống lưu trữ đầy đủ dữ liệu về tình hình sức khỏe và lịch sử khám chữa bệnh của người dân cho phép bác sĩ truy cập dễ dàng theo thời gian thực hiện nhanh hơn, người bệnh không phải tìm lại các kết quả xét nghiệm, bác sĩ không mất thời gian tra cứu thông tin của người bệnh từ các hồ sơ sổ sách. Chất lượng khám chữa bệnh sẽ được nâng cao, các sai sót y khoa cũng sẽ được hạn chế….

Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về cấp phép vệ sinh an toàn thực phẩm; Cung cấp các kênh thông tin tương tác để nâng cao vai trò của người dân trong việc ghi nhận và phản ánh các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

Khi thành phố thay đổi, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực môi trường; lĩnh vực chống ngập; lĩnh vực nguồn nhân lực; lĩnh vực an ninh trật tự; lĩnh vực chỉnh trang và phát triển đô thị…người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như: sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; học sinh có thể học tại trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỷ lệ tội phạm thấp, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng…

Người lao động sẽ có các dịch vụ hạ tầng cơ bản, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thương trường thế giới: kết nối Internet băng thông rộng; các nguồn năng lượng sạch, ổn định với chi phí thấp; các cơ hội để được học hành, trau dồi kỹ năng, kiến thức; chi phí cho không gian sống và làm việc vừa tầm thu nhập.

Đặc biệt, trong lĩnh vực chính quyền điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến tập trung đa dạng về hình thức truy cập sẽ giúp thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia các hoạt động của các cơ quan nhà nước, cho phép công dân chỉ truy cập vào một địa chỉ duy nhất và đăng nhập một lần mà có thể thực hiện được toàn bộ các giao dịch với Chính quyền…

Các kênh giao tiếp bằng CNTT tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, cho phép mở rộng hợp tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ lẫn nhau, kết nối giữa các hệ thống thông tin của chính quyền với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân nhằm thuận tiện trong quá trình kiểm tra, báo cáo…

4 chủ thể của đô thị thông minh

Đề án đô thị thông minh hướng đến bốn chủ thể chính của đô thị gồm: chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

Đối với chính quyền thành phố, đô thị thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn, và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các mặt và lĩnh vực hoạt động.

Đối với người dân, đô thị thông minh giúp cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dân ra quyết định một cách tối ưu hơn, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân để người dân tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng thành phố.

Đối với doanh nghiệp, đô thị thông minh sẽ kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để doanh nghiệp hoạt động, cung cấp nhiều thông tin để doanh nghiệp có những quyết định kinh doanh chính xác, thông qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp so với các khu vực khác.

Cuối cùng, đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kênh kết nối phản hồi thông tin để giúp họ tham gia một cách hiệu quả hơn vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.

(Theo Vnmedia)



VNPT “bắt tay” Saigontourist để nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong khuôn khổ hợp tác hai bên đã thống nhất, VNPT sẽ tư vấn, cung cấp các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin của VNPT cho Saigontourist và Saigontourist sẽ cung cấp các dịch vụ cho VNPT.

Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT và ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Saigontourist ký kết hợp tác chiến lược giữa hai doanh nghiệp.

Ngày 24/10/2017, tại khách sạn Rex đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Gần đây, du lịch Việt Nam có những chuyển động tích cực, sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 để nâng cao năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam đã bắt đầu từ việc số hóa dữ liệu, bao gồm cập nhật thông tin tour tuyến, chương trình ưu đãi, hoạt động của doanh nghiệp lên website; ứng dụng công nghệ mới để tăng trải nghiệm của khách hàng; nâng cấp phần mềm điều hành tour; triển khai cổng thanh toán điện tử; thiết lập kênh tương tác trực tiếp với khách…

Với cam kết cung cấp các sản phẩm, dịch vụ VT-CNTT tốt nhất cho Saigontourist, với thế mạnh và dựa trên mối quan hệ hợp tác bền vững của VNPT với các đối tác lớn trên thế giới đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…, VNPT sẽ cung cấp và đồng hành cùng Saigontourist trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp Du lịch thông minh (Smart tourism). Các giải pháp này sẽ giúp Saigontourist mang tới cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất, nhanh chóng và tiết kiệm. Việc triển khai Smart tourism không chỉ giúp Saigontourist tối đa doanh thu – lợi nhuận mà còn phù hợp với lộ trình xây dựng đô thị thông minh của Thành phố Hồ Chí Minh và của một số tỉnh thành/phố khác có sự hiện diện của Saigontourist.

Bên cạnh đó, VNPT sẽ cung cấp cho Saigontourist các sản phẩm, dịch vụ, phần mềm, giải pháp, thiết bị công nghệ và kỹ thuật số trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng, lữ hành, khu vui chơi giải trí…như: Các giải pháp phục vụ hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng (như: hệ thống đặt phòng khách sạn trực tuyến tập trung, hệ thống quản lý khách hàng trung thành…); Các giải pháp phục vụ hoạt động nội bộ của Saigontourist (như: hệ thống quản lý văn bản điện tử…); Các giải pháp hạ tầng VT-CNTT….

Về phía Saigontourist sẽ cung cấp các dịch vụ của Saigontourist cho VNPT và các đơn vị thành viên của VNPT với các điều kiện tốt nhất có thể với mức giá ưu đãi phù hợp với quy định của pháp luật và trên cơ sở hợp đồng được ký kết giữa Saigontourist và VNPT (hoặc đơn vị thành viên của VNPT), bao gồm nhưng không giới hạn bởi các dịch vụ sau: khách sạn, nhà hàng, lữ hành, khu vui chơi giải trí… Ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Saigontourist cho biết, với chương trình hành động “Công nghệ – Thương hiệu – Phát triển bền vững”, Saigontourist đã triển khai mô hình Smart tourism nhằm mang lại cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ, trải nghiệm độc đáo nhất, phù hợp xu hướng thời đại, đặc biệt trong thời kỳ phát triển nền công nghiệp 4.0, kinh tế số. Trong thời gian vừa qua, Saigontourist và các đơn vị thành viên đã ứng dụng nhiều phần mềm, công nghệ tiên tiến trong các phân hệ quản lý khách sạn, nhân sự, kế toán…

Việc ký kết hợp tác chiến lược với VNPT sẽ tạo thuận lợi cho Saigontourist đẩy nhanh các chương trình ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới. Đây được xem là một bước ngoặt lớn đối với hai doanh nghiệp lớn về quy mô và hiệu quả kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam, đánh dấu sự kết nối, hỗ trợ cùng nhau phát triển bền vững



Cáp AAG đã sửa xong, cáp SMW-3 vẫn tiếp tục khắc phục

VietTimes — Thông tin từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cho biết, vào 23 giờ 55 phút đêm hôm qua (22/10), lưu lượng trên tuyến cáp quang biển quốc tế AAG đã được khôi phục. Trong khi đó, tuyến cáp SMW-3 vẫn chưa được xử lý xong như dự kiến.
Ánh Dương – /Thứ Hai, ngày 23/10/2017 – 15:59
Ảnh minh họa. Nguồn Kinh tế đô thị
Như vậy, việc sửa chữa cáp AAG đã được hoàn tất sớm hơn dự kiến.
Trong khi đó, tuyến cáp SMW-3 vẫn đang tiếp tục được sửa chữa và chưa có thời gian dự kiến sửa xong. Nguyên nhân là bởi vùng biển Trung Quốc sóng lớn khiến tàu chưa lấy được cáp lên để xử lý.
Được biết, sự cố trên tuyến cáp AAG xảy ra vào sáng ngày 12/10. Tới ngày 17/10, thông báo từ một nhà cung cấp dịch vụ Internet cho thấy tới tối 24/10, việc sửa mới được hoàn tất. Tuy nhiên, trong một thông báo sau đó, thông tin lại cho biết tới 26/10 tuyến cáp mới được khôi phục.
Còn tuyến cáp SMW-3 bị sự cố vào sáng ngày 10/10. Tới 13/10, nguồn tin từ VNPT cho biết nguyên nhân của sự cố là do lỗi cáp tại khu vực biển gần Trung Quốc. Qua đánh giá ban đầu, thời gian dự kiến hoàn thành sửa chữa tuyến cáp này sẽ vào ngày 20/10.


Đăk Lăk khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến do VNPT xây dựng

(XHTT) – Sau một thời gian hoạt động thử nghiệm ổn định, ngày 20/10 vừa qua Tập đoàn VNPT và UBDN tỉnh Đăk Lăk đã chính thức khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến tích hợp Một cửa điện tử liên thông. 

Với chủ trương đẩy mạnh ứng dụng CNTT làm tiền đề để phát triển kinh tế, ngày 28/12/2015, UBND tỉnh Đăk Lăk và Tập đoàn VNPT đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược về Viễn thông và Công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020. Sau gần hai năm thực hiện, các giải pháp CNTT của VNPT đang được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực hành chính công, Giáo dục, Y tế, …. Trong đó nổi bật là hệ thống Hệ thống Dịch vụ hành chính công Trực tuyến tích hợp Một cửa điện tử liên thông (VNPT iGate). Sau một thời gian hoạt động thử nghiệm ổn định, ngày 20/10 vừa qua Tập đoàn VNPT và UBDN tỉnh Đăk Lăk đã chính thức khai trương Hệ thống này.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đăk Lăk và VNPT nhấn nút chính thức khai trương hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông.

Hiện Hệ thống đã được triển khai cho toàn tỉnh bao gồm: 19/19 sở, ban, ngành; 15/15 UBND huyện, thị xã, thành phố; 184/184 xã, phường, thị trấn. Hệ thống này đang cung cấp 1.543 bộ thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường cho người dân. Trong đó có hơn 1.000 thủ tục hành chính công mức 2, 434 thủ tục hành chính công mức 3, và 34 thủ tục hành chính công mức 4.

Hơn 1.600 cán bộ công chức của tỉnh hiện đang sử dụng hệ thống này phục vụ công việc hàng ngày. Riêng trong tháng 9 vừa qua, hệ thống đã xử lý gần 25.000 hồ sơ, chiếm gần 90% tổng số hồ sơ được tiếp nhận.

Để hệ thống đi vào hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả, bên cạnh việc xây dựng phát triển phần mềm theo các yêu cầu của tỉnh, đầu tư xây dựng hạ tầng mạng lưới viễn thông rộng khắp VNPT cũng đã tổ chức 54 lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng sử dụng và quản trị hệ thống cho gần 2.000 cán bộ công chức của tỉnh.

Hiện tại, mạng di động của VNPT đã phủ sóng 100% các xã, phường của tỉnh Đăk Lăk, với hơn 1.000 trạm thu phát sóng các loại.

Mạng băng rộng cáp quang với chiều dài gần 3.000 km đã được kéo tới 100% xã phường của tỉnh, cũng như tới các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu cung cấp, triển khai dịch vụ đến khách hàng cũng như đường truyền phục vụ chỉ đạo của các cấp chính quyền từ tỉnh xuống địa phương.

Mạng số liệu chuyên dùng đã được triển khai tới 100% huyện, thị xã, thành phố và 20 sở ban ngành của tỉnh.

Dự kiến, trong giai đoạn tiếp theo VNPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp Một cửa điện tử liên thông nói trên đến cấp xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, sẽ thiết lập thành phần đánh giá sự hài lòng về thực hiện thủ tục hành chính công của người dân và doanh nghiệp đối với CQNN và cán bộ công chức (được tích hợp trong Hệ thống VNPT – iGate của toàn tỉnh).

VNPT cũng cho biết sẽ thiết lập thành phần ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện công tác chỉ đạo điều hành và quản lý nhiệm vụ của UBND tỉnh và UBND các cấp (theo Quyết định số 45/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ) và Hệ thống tổng đài đường dây nóng kèm thành phần ứng dụng CNTT để tiếp nhận, xử lý thông tin thống nhất toàn tỉnh, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp đến CQNN và lãnh đạo UBND tỉnh.



MU lấy sao Barca, Inter trải thảm mời Ozil

MU đang có kế hoạch lấy Sergi Roberto của Barca. Arsenal tranh tài năng trẻ Pulisic với Liverpool. Inter muốn có tiền vệ Mesut Ozil.

 

MU trở lại với Sergi Roberto

MU đang trở lại với mục tiêu Sergi Roberto. Đây là kế hoạch do chính HLV Jose Mourinho đề xuất, và muốn các quan chức ở sân Old Trafford sớm tiến hành đàm phán chuyển nhượng.

Mourinho rất muốn đưa Sergi Roberto về MU

Theo Don Balon, Mourinho đã theo dõi Sergi Roberto trong các trận đấu vừa qua, và đánh giá cao hiệu quả, cũng như tinh thần chiến đấu của cầu thủ người Tây Ban Nha. Ông đặc biệt yêu thích cách chiến đấu không bao giờ bỏ cuộc của Sergi.

Sergi Roberto được HLV Valverde sử dụng ở nhiều vai trò khác nhau trong mùa giải này. Anh đá hậu vệ phải, tiền vệ phải, và thậm chí đảm nhiệm vai trò tiền vệ tấn công – như một kiểu “số 10”.

“Sergi sẽ là món hời của chúng ta”, một nguồn tin trích lời Mourinho nói với các cộng sự của ông. Trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè vừa qua, MU đã quan tâm đến Sergi Roberto nhưng không thể mua anh như mong muốn.

Giá chuyển nhượng Sergi được ấn định vào khoảng 40 triệu euro.

Arsenal tranh Pulisic với Liverpool

Arsenal đã vào cuộc đua giành chữ ký của ngôi sao trẻ Christian Pulisic, cầu thủ mà Liverpool vừa tiếp cận và muốn kéo sang nước Anh chơi bóng.



Tổng thống Donald Trump sang Việt Nam dự APEC

(NLĐO)- Đoàn Tổng thống Mỹ Donald Trump sang Việt Nam dự Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11 sẽ rất đông đảo, sử dụng nhiều chuyên cơ.

Tại Hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền APEC 2017 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 29-9 tại Hà Nội, ông Nguyễn Minh Vũ, Phó trưởng Ban thường trực Ban Thư ký APEC, cho biết đến nay đã có nhiều lãnh đạo nền kinh tế APEC xác nhận tham gia, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Lãnh đạo 2 nền kinh tế chưa xác nhận tham gia vì bộ máy chưa hoàn thiện. Ông Vũ cho biết hội nghị cấp cao lần này có lượng lãnh đạo tham gia ở mức cao hiếm thấy từ trước đến nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Donald Trump bên lề hội nghị Thượng đỉnh G20 tháng 7-2017 – Ảnh: VGP

Dự kiến trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tổ chức từ ngày 6 đến 11-11 tại TP Đà Nẵng sẽ có 10.000 đại biểu, phóng viên tham dự. Có nhiều đoàn đi với số lượng lớn. Riêng đoàn Tổng thống Mỹ Donald Trump rất đông đảo, sử dụng nhiều chuyên cơ.

Hội nghị cấp cao APEC là lần đầu tiên một cuộc họp cấp cao quy mô toàn khu vực được tổ chức tại một số địa phương ngoài TP Hà Nội.

Các hội nghị cấp SOM của APEC được tổ chức tại 10 địa phương trên khắp cả nước.

D.Ngọ


Yên Bái: Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”

YBĐT – Ngày 29/9, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức khai mạc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.
Dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Hoàng Vĩnh Bảo – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng ban Chỉ đạo Triển lãm; Hoàng Thị Thanh Bình – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Dương Văn Tiến – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh cùng đông đảo quần chúng nhân dân.
Hướng về Trường Sa, Hoàng Sa và các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, trong thời gian qua, cùng với cả nước, các cấp ủy Đảng và chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên bái đã có nhiều hoạt động thiết thực khẳng định quan điểm về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cùng với đó tổ chức nhiều hoạt động hướng về Trường Sa, Hoàng Sa, về biển đảo quê hương… Trong đó có nhiều cán bộ đã tham gia các chuyến thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa, xây dựng mô phỏng cột cờ Trường Sa tại xã Nà Hẩu (Văn Yên), tổ chức các hoạt động ngoại khóa hướng về biển, đảo trong các trường học…
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định biển, đảo là một phần “máu thịt” thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” là một trong những hoạt động quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền về biển, đảo, đưa thông tin trực tiếp đến với cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Qua đó góp phần giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Các đồng chí lãnh đạo cắt băng khai mạc Triển lãm.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Tiến gửi lời cám ơn sâu sắc tới Bộ Thông tin và Truyền thông, các ban, ngành của Trung ương đã phối hợp với tỉnh Yên Bái tổ chức hoạt động triển lãm có ý nghĩa sâu sắc. Thông qua việc giới thiệu các bản đồ, tư liệu, hình ảnh, hiện vật và một số ấn phẩm trưng bày tại Triển lãm củng cố niềm tin trong cán bộ, nhân dân về các bằng chứng pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Qua đó giúp nhân dân Yên Bái khẳng định hơn nữa tinh thần đoàn kết, quyết tâm chung sức, đồng lòng cùng cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngày sau triển lãm,các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục tổ chức triển lãm tuyên truyền biển đảo tại các địa phương trong tỉnh để toàn bộ cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh hiểu rõ về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Tại Lễ khai mạc, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao tặng tư liệu, bản đồ Triển lãm cho UBND tỉnh Yên Bái.
Các đồng chí lãnh đạo tham quan Triển lãm.
Tại Triển lãm trưng bày nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế.
Bên cạnh phương pháp trưng bày truyền thống, Ban Tổ chức còn sử dụng phương pháp trưng bày mới dựa trên công nghệ thực tại ảo 3D gồm: triển lãm số 3D, sa bàn số 3D, ứng dụng chụp ảnh thực tế tăng cường khoảnh khắc Trường Sa và mới nhất là trò chơi tương tác hành trình Trường Sa nhằm tăng cường thêm tính trực quan, sinh động và hấp dẫn của Triển lãm, qua đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Các em học sinh tham quan Triển lãm ảnh về biển đảo.
Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng  chứng lịch sử và pháp lý” diễn ra từ ngày 29/9 đến ngày 3/10/2017.
Thu Trang – Hoài Văn


Chuyển mạng giữ nguyên số cho thuê bao di động từ ngày 1/1/2018

Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 29/9 cho biết: Dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số thuê bao sẽ được triển khai theo lộ trình mới, thời gian cung cấp dịch vụ chính thức là trước ngày 31/12/2017.

Khách hàng đến giao dịch đăng ký Sim số điện thoại mới tại Trung tâm kinh doanh VNPT Vinaphone Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Việc này được triển khai theo Quyết định số 846/QĐ-BTTTT về việc phê duyệt đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 23/5/2016.

Đến thời điểm này, các nhà mạng đang tích cực chuẩn bị điều kiện kỹ thuật để triển khai Quyết định đúng thời điểm. Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết: Hiện nay, Viettel đang thử nghiệm kỹ thuật với Trung tâm chuyển mạng quốc gia do Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) quản lý. Việc thử nghiệm của Viettel với Trung tâm chuyển mạng quốc gia sẽ kéo dài đến hết tháng 9/2017 với rất nhiều bài thử được tiến hành để đảm bảo mọi phương án, trường hợp xảy ra khi đổi số để có phương án xử lý.

Sau khi các thử nghiệm đảm bảo hoạt động chuyển đổi với Trung tâm chuyển mạng quốc gia thành công, nhà mạng Viettel sẽ tiếp tục chuyển sang thử nghiệm kỹ thuật với các nhà mạng VinaPhone và MobiFone. Ông Tào Đức Thắng khẳng định, Viettel sẽ nỗ lực để đảm bảo đúng tiến độ mà Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu: Từ ngày 1/1/2018 sẽ chính thức áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số cho khách hàng.

Theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, Viettel đang là nhà mạng có kinh nghiệm nhất trong việc chuyển mạng giữ nguyên số khi một số thị trường nước ngoài mà nhà mạng đầu tư đã bắt buộc áp dụng chính sách này (ví dụ tại Cộng hòa Peru).

Hiện nay, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Theo dự thảo này, thuê bao di động không có thông tin cá nhân chính xác sẽ không được chuyển mạng giữ nguyên số. Việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số cũng góp phần khuyến khích người sử dụng dịch vụ đăng ký chính xác thông tin thuê bao. Công việc này góp phần tích cực để định danh, định số, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, thông tin, đảm bảo an ninh trật tự xã hội cũng như làm nền tảng dữ liệu cho cuộc cách mạng số hóa đang diễn ra tại Việt Nam.

Đại diện Cục Viễn thông cũng khẳng định: Các nhà mạng phải tuân thủ thời điểm áp dụng chính sách mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã nêu trong Quyết định 846/QĐ-BTTTT. Tuy nhiên, thời điểm áp dụng quyết định có sự chênh lệch 1 ngày để tiện cho việc thực hiện của các nhà mạng.

Việc chuyển mạng giữ nguyên số là dịch vụ của nhà mạng cho phép thuê bao đang ở mạng này nếu thấy mạng khác có nhiều dịch vụ hấp dẫn hơn, hoặc chất lượng dịch vụ, vùng phủ sóng tốt hơn có thể chuyển sang mạng mới mà vẫn giữ nguyên số điện thoại. Đây là một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy cạnh tranh được nhiều nước trên thế giới triển khai. Đồng thời, đây cũng là một cam kết của Việt Nam khi gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TTP).

Hiện các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone và Vietnamobile khẳng định đã sẵn sàng cho việc áp dụng chuyển mạng giữ nguyên số theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Chỉ còn nhà mạng Gtel chưa chính thức đưa ra thông tin nào về thời điểm áp dụng chính sách này cũng như thời điểm thử nghiệm kỹ thuật với các nhà mạng khác…

Ngọc Bích (TTXVN)


Chất lượng 4G của nhà mạng nào tốt nhất hiện nay?

Cục Viễn thông, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố kết quả đo kiểm chất lượng kỹ thuật dịch vụ 4G của MobiFone và Viettel trên website của mình. Hiện tại chưa có kết quả đo kiểm của nhà mạng VinaPhone.
Cục Viễn thông đã tiến hành đo kiểm chất lượng mạng 4G của các nhà mạng.

Theo công bố của Cục Viễn thông, kết quả đo kiểm chất lượng dịch vụ 4G của các nhà mạng được dựa trên 5 chỉ tiêu, đó là độ sẵn sàng của mạng vô tuyến; tỷ lệ truy nhập thành công dịch vụ; thời gian trễ truy nhập dịch vụ trung bình; tỷ lệ truyền tải dữ liệu bị rơi và tốc độ tải dữ liệu (tốc độ tải lên/tải xuống và tỷ lệ % số mẫu có tốc độ tải xuống lớn hơn hoặc bằng tốc độ tải dữ liệu hướng xuống tối thiểu trong vùng lõi).

Công bố từ Cục Viễn thông cho biết đã tiến hành đo kiểm chất lượng mạng 4G của nhà mạng Viettel từ ngày 08/6/2017 đến ngày 16/6/2017 trên địa bàn Hà Nội. Kết quả đo kiểm trong 8 ngày cho thấy, độ sẵn sàng của mạng vô tuyến của Viettel là 100%, tỷ lệ truyền tải dữ liệu bị rơi là 0,65%. Tốc độ tải xuống trung bình là 34,9 Mbit/s và tải lên là 16,88 Mbit/s.

Trong khi đó, đối với mạng MobiFone, Cục Viễn thông đã tiến hành đo kiểm từ 19/7-26/7, cũng trên địa bàn Hà Nội. Kết quả cho thấy độ sẵn sàng của mạng vô tuyến là 99,98%, tỷ lệ truy nhập thành công dịch vụ là 100%, tỷ lệ truyền tải dữ liệu bị rơi là 0,74%, thời gian trễ truy nhập dịch vụ trung bình là 1,69 giây. Trong khi đó, tốc độ tải xuống, tải lên trung bình của nhà mạng này tương ứng với 36,91Mbit/s và 19,28 Mbit/s.

Hiện tại, thông tin đo kiểm chất lượng 4G của VinaPhone chưa được công bố.

Theo đó, dựa vào kết quả của Cục Viễn thông có thể thấy, Viettel đang dẫn đầu về mức độ sẵn sàng của mạng vô tuyến với tỷ lệ 100%. Trong khi đó, MobiFone mới đạt 99,98%. Tuy nhiên, về tốc độ tải lên và xuống của mạng 4G của MobiFone đang vượt qua Viettel khi đạt lần lượt 34,9 Mbit/s và 16,88 Mbit/s.

Trước đó, ngày 27/7, Tập đoàn Dữ liệu Quốc Tế IDG cũng đã công bố kết quả “Cuộc khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người tiêu dùng về nhà mạng cung cấp dịch vụ 4G tại Việt Nam năm 2017” .

Cuộc khảo sát trên do Tập đoàn IDG tiến hành từ ngày 1/4 đến ngày 1/7/2017 tại 8 tỉnh, thành phố lớn. Số phiếu khảo sát thành công là 13.828 phiếu của những người đã và đang sử dụng dịch vụ 4G bao gồm độ tuổi, nghề nghiệp, thu nhập, chức vụ.

Các câu hỏi phỏng vấn tập trung làm rõ dịch vụ 4G đáp ứng nhu cầu của người sử dụng như thế nào, nhận định chung của người sử dụng về chất lượng, cũng như từng tiêu chí cụ thể đánh giá và thói quen sử dụng dịch vụ 4G.

Theo kết quả IDG công bố, MobiFone đã được người tiêu dùng bình chọn là “Nhà mạng có chất lượng dịch vụ 4G tiêu biểu”.

IDG cho biết, việc bình chọn này được xét trên tiêu chí như tốc độ tải dữ liệu (download), tốc độ đăng dữ liệu (upload), sử dụng dịch vụ truyền hình, xem phim trực tuyến, sử dụng mạng xã hội.

Theo Dân Trí